Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp: Lo doanh nghiệp không chịu lớn?
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 20% xuống 15-17% của Bộ Tài chính theo giới chuyên gia là phù hợp. Tuy nhiên, có câu hỏi đặt ra rằng, việc ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có tạo hiệu ứng ngược là các đơn vị này ngại lớn lên?
Nuôi dưỡng nguồn thu
Đánh giá đề xuất của Bộ Tài chính mới đây là phù hợp và cần thiết, ông Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) chỉ ra nguyên nhân, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018 có quy định: Doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức phổ thông.
Điều này có nghĩa để Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự có hiệu lực, đi vào cuộc sống thì phải sửa Luật thuế. "Nếu không thì điều khoản trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là vô nghĩa," ông Trường nói.
Mặt khác, trong thực tiễn, doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô nhỏ, gặp nhiều bất lợi so với các doanh nghiệp lớn. Trong khi ấy, hầu hết doanh nghiệp của Việt Nam là nhỏ và vừa, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Bởi vậy, việc thúc đẩy đối tượng doanh nghiệp này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra, hiện 97% trong tổng số 700.000 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động ở Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những đối tượng này có quy mô bình quân khoảng 10-50 người lao động và vốn góp cỡ 10-20 tỷ đồng.
Vì thế, theo ông, khối doanh nghiệp này giải quyết được vấn đề quan trọng là việc làm cho thị trường lao động, vốn mỗi năm có khoảng 1 triệu lao động mới.
"Ta có chủ trương giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu. Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa được đảm bảo có đủ cân đối thực hiện chính sách an sinh xã hội như đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các chi phí công đoàn khác của người lao động trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế đang ngày càng khốc liệt," ông Kiên cho biết.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đánh giá, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ “khoan sức” cho một lớp đối tượng rất rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm một số tiền bổ sung vào nguồn vốn.
"Khi doanh nghiệp kinh doanh tốt thì kinh tế sẽ phát triển, trong đó sự đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách cũng tốt hơn cho dù giảm thuế suất," ông nói.
Góp thêm ý kiến, chuyên gia Lê Xuân Trường cho rằng, việc giảm thuế với doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là thông lệ của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ông đánh giá, chính sách này đã giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nước trên trong thời gian qua phát triển tốt, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế.
Hưởng ưu đãi, doanh nghiệp nhỏ mãi?
Ở hướng khác, câu hỏi đặt ra là việc ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa liệu có dẫn tới việc, những đối tượng này cứ "nhỏ" mãi để được hưởng mức thuế suất thấp không?
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, về lý thuyết, lo lắng này có một phần cơ sở. Tuy vậy, ông cho rằng, nếu nhìn cuộc sống mà chỉ nhìn mặt trái, quên đi tích cực thì không thể làm được chính sách nào hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Vấn đề theo ông là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao được hiệu quả vốn đầu tư.
"Nếu họ cứ mở ra, đầu tư thêm 30 tỷ đồng, nâng vốn lên 50 tỷ đồng nhưng hiệu quả vốn đầu tư chỉ 3-5%. Trong khi ấy, nếu họ chỉ dùng 20 tỷ đồng nhưng hiệu quả vốn đầu tư lên tới trên 10% thì ta tính toán xem bài toàn nào lợi hơn," ông đặt ra so sánh.
Còn với ông Lê Xuân Trường thì không cần lo lắng việc doanh nghiệp không chịu lớn lên.
Theo ông, với người kinh doanh, mục tiêu tối thượng là lợi nhuận nên sẽ khó có chuyện vì được ưu đãi thuế mà doanh nghiệp bé mãi. Bản thân doanh nghiệp phải lớn thì mới tham gia được các dự án lớn từ đó mang lại nhiều lợi nhuận.
"Bé nhưng không mang lại lợi nhuận cao. Ngược lại, nếu doanh nghiệp tăng quy mô, nộp thuế nhiều hơn và mang lại lợi nhuận lớn hơn thì bản thân họ cũng phải lớn," ông nêu quan điểm.
Có thêm ý kiến, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cơ quan chức năng cần công khai, minh bạch tất cả đối tượng được giảm thuế cũng như các quy trình, thủ tục liên quan để tránh tình trạng lợi dụng.
Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu với cơ quan chức năng là phải tiếp nhận đánh giá, khiếu nại của doanh nghiệp trong khâu thực hiện chính sách ưu đãi, huy động sự tham gia giám sát của xã hội.
"Chỉ khi làm được như vậy thì chính sách tốt cho doanh nghiệp mới thực sự phát huy hiệu quả," ông nói./.
Trước đó, đề xuất giảm từ 20% hiện tại về mức 15-17% được Bộ Tài chính nêu lên trong "Dự thảo tờ trình Chính phủ về việc xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa." Theo đề xuất, thuế suất 15% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người. Thuế suất 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người. |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/