|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Giảm sốc 60 triệu đồng, mặt bằng đất 'vàng' Hà Nội vẫn khóa cửa bỏ không

11:14 | 11/04/2020
Chia sẻ
Dù đã chấp nhận giảm 20 - 30% tiền thuê song nhiều mặt bằng 'tiền tỉ' nằm trên các tuyến phố cổ Hà Nội vẫn đóng cửa, bỏ không!

“Lỗ theo kế hoạch”, mặt bằng tiền tỷ Hà Nội vắng bóng người thuê

Trước làn sóng trả lại mặt bằng kinh doanh do dịch Covid-19, rất nhiều chủ nhà tại khu vực phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) hoặc các tuyến phố lớn, sầm uất như Xã Đàn, phố Huế, Bạch Mai, Khâm Thiên,... chấp nhận “lỗ theo kế hoạch”, giảm 30 - 50% tiền thuê để thu hút người thuê mới.

Giảm sốc 60 triệu đồng, mặt bằng đất 'vàng' Hà Nội vẫn khóa cửa bỏ không - Ảnh 1.

Nhiều mặt bằng chấp nhận giảm 20 - 30%, nhưng vẫn không có khách thuê

Theo khảo sát của PV báo Dân trí, trước khi xảy ra dịch Covid-19, khu vực phố cổ Hà Nội được mệnh danh là “khu đất vàng” với chi phí thuê mặt bằng rất cao, dao động từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng/m2.

Cụ thể, trên tuyến phố Hàng Ngang - Hàng Đào, một ngôi nhà 2 tầng, diện tích 90 m2 được chủ nhà cho thuê 180 triệu đồng/tháng. 

Như vậy, trong 1 năm, tiền thuê mặt bằng tại đây lên tới hơn 2 tỷ đồng. Tương tự, một số mặt bằng có diện tích nhỏ, khoảng 40 - 50 m2 có mức giá thuê cũng vào khoảng 70 - 80 triệu đồng/tháng.

Như vậy, nếu chấp nhận thuê dài hạn, chủ nhà chấp nhận giảm 60 triệu đồng/tháng.

Giảm sốc 60 triệu đồng, mặt bằng đất 'vàng' Hà Nội vẫn khóa cửa bỏ không - Ảnh 2.

Mức giá thuê mặt bằng tại các “khu đất vàng” đã chạm đáy.

Tuy nhiên, hiện nay, ngôi nhà 2 tầng trên phố Hàng Ngang - Hàng Đào trước kia cho thuê 180 triệu đồng/ tháng, thì nay đã giảm còn 150 triệu đồng/tháng. 

Thậm chí, chủ nhà mạnh tay giảm xuống 120 triệu đồng/tháng nếu người thuê ký hợp đồng trên 3 năm. Tương tự nhiều mặt bằng trước kia cho thuê 70 - 80 triệu đồng, thì nay giảm còn 40 - 60 triệu đồng.

Giới chuyên gia BĐS đánh giá, trong vòng 10 năm qua, mức giá thuê mặt bằng tại các “khu đất vàng” đã chạm đáy. Nhiều nơi đã treo biển cho thuê mặt bằng hàng loạt nhưng vẫn không tìm được khách.

Bất đồng quan điểm giữa chủ nhà và người thuê mới

Giảm sốc 60 triệu đồng, mặt bằng đất 'vàng' Hà Nội vẫn khóa cửa bỏ không - Ảnh 3.

Hai bên khách thuê và chủ nhà đều không muốn chịu thiệt.

Đơn cử, một ngôi nhà 4 tầng, diện tích 70 m2, trên phố Hàng Bài (Hà Nội) được chủ nhà cho thuê là 150 triệu đồng/tháng và được áp dụng tới hết năm 2020. 

So với thời điểm cuối năm 2019, mức giá cho thuê này đã giảm 20%. Ngoài ra, chủ nhà chấp nhận miễn phí 2 tháng để ổn định kinh doanh.

Tuy nhiên, chủ nhà cũng yêu cầu phải ký hợp đồng dài hạn trên 3 năm với điều khoản cam kết tăng giá 5% sau 1 năm. Ngoài ra, bên đi thuê phải chi trả chi phí 1 năm, không chấp nhận đóng theo tháng hoặc bán niên.

Anh Cao Đức Anh, một người đang có ý định thuê mặt bằng trên phố Hàng Bài cho rằng, trong thời điểm hiện nay, những yêu cầu như vậy là phi lý: “Ai cũng biết tình hình kinh doanh trong thời điểm dịch bệnh rất khó khăn, nên tôi mong muốn chủ nhà hỗ trợ chấp nhận thanh toán 1 tháng/lần, tuy nhiên chủ nhà từ chối”.

Ở chiều ngược lại, nhiều chủ nhà cũng đang bị khách hàng ép giá. Đơn cử, ông Đỗ Quốc Thanh, một chủ mặt bằng trên phố Xã Đàn chấp nhận giảm 30% giá thuê, nhưng nhiều khách yêu cầu ông giảm 50% cho tới hết năm 2020.

“Rất nhiều khách sau khi tham khảo liền yêu cầu tôi giảm 50% cho tới hết năm 2020. Sang năm 2021 thì giảm 30% để ổn định kinh doanh, mức giảm như vậy là quá cao, không thể đàm phán được”, ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, một chuyên gia BĐS cho rằng, để dung hòa quyền lợi, chủ nhà và bên đi thuê đều phải chấp nhận chịu thiệt thòi một chút trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Tuấn, tại Hà Nội, mức giá giảm 20 - 30% như hiện nay là chấp nhận được, tuy nhiên, chủ nhà cũng nên linh động trong việc thanh toán theo tháng, hoặc theo quý, thay vì yêu cầu chi trả tiền thuê mặt bằng 1 năm/lần.

“Mỗi bên nên có sự nhượng bộ trong hoàn cảnh này, đặc biệt là chủ nhà nên “chiều” khách một chút. 

Trong hoàn cảnh mặt bằng cho thuê bị trả lại hàng loạt như hiện nay, chủ nhà là người bị thiệt hơn, nếu không cho thuê, chắc chắn sẽ bị mất đi nguồn thu nhưng vẫn phải gánh một số loại thuế liên quan tới đất đai”, ông Thanh Tuấn nói.

Việt Vũ