Giám đốc Tự doanh DNSE: Tự doanh không huyền bí và quyền lực, chưa đủ sức để cân cả thị trường
BTV Tài Phan và bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc Tự Doanh, CTCP Chứng khoán DNSE trong chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital. (Ảnh chụp màn hình).
Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc Tự doanh của Chứng khoán DNSE cho biết nhà đầu tư F0 đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên đỉnh cao mới trong hai năm gần đây.
Lực lượng các nhà đầu tư cá nhân vô cùng hùng hậu đã làm lu mờ vai trò của nhà đầu tư nước ngoài cũng như khối tự doanh của các công ty chứng khoán.
Theo chia sẻ của chuyên gia này, tự doanh là hoạt động mà công ty chứng khoán đóng vai trò như một nhà đầu tư trên thị trường. Danh mục đầu tư của khối tự doanh được thiết lập bởi chính các chuyên viên và nhà quản lý. Theo đó, hoạt động tự doanh trên thị trường cũng bị phụ thuộc vào các ý kiến chủ quan của con người và đôi khi có thể dẫn đến các quyết định sai lầm.
Theo quan điểm của nhiều nhà đầu tư, việc mua ròng hay bán ròng của khối tự doanh được chú ý bởi nó phản ánh sự thay đổi kỳ vọng trong ngắn hạn, tác động lớn tới cung - cầu trên thị trường.
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về khả năng khối tự doanh của các công ty khác nhau liên minh lại úp bô nhà đầu tư, bà Linh cho rằng lực lượng tự doanh không huyền bí và quyền lực như mọi người vẫn thường đồn đoán.
Thực tế cho thấy tỷ trọng tham gia của các công ty chứng khoán thực ra chưa đủ để cân cả thị trường hay đi ngược lại đám đông. Theo đó, chính tự doanh và các quỹ đầu tư cũng có thể bị úp bô bởi các thế lực khác trên thị trường.
Đối với việc dừng cập nhật dữ liệu liên quan đến giao dịch của khối tự doanh các công ty chứng khoán, bà Linh cho rằng điều này sẽ không ảnh hưởng lắm đến thị trường do hiện tại dòng vốn tự doanh không còn nhiều lắm, chỉ phản ánh suy nghĩ của một bộ phận nhà đầu tư trên thị trường.
Chuyên gia gọi tên 3 mã cổ phiếu tiềm năng
Với phong cách đầu tư tương đối thận trọng, bà Linh lựa chọn 3 cổ phiếu ưa thích là MBB của Ngân hàng TMCP Quân Đội - MBBank, HPG của Tập đoàn Hoà Phát và DPR của Cao su Đồng Phú.
Theo bà Linh, sóng điều chỉnh của toàn ngành ngân hàng đã đi được tầm 5 đến 6 tháng và hiện tại cổ phiếu MBB đang ở mức giá chiết khấu tương đối tốt so với mức đỉnh mà nó đã thiết lập trong mấy tháng trước. Thời điểm hiện tại nhà đầu tư có thể cân nhắc để tham gia mở vị thế với cổ phiếu này.
Bên cạnh đó, vừa qua MBB đã thế chỗ VIC, lọt Top10 cổ phiếu nắm giữ trong danh mục đầu tư của quỹ Dragon Capital. Đây được coi là một thông tin tích cực với MBB khi mã này nhận được sự chú ý của quỹ đầu tư lớn.
Với HPG, đây được coi là cổ phiếu "quốc dân" vì vậy khi cân nhắc tham gia thì nhà đầu tư cần lưu ý phương pháp chia vị thế, tham gia từ từ và luôn giữ biên an toàn khi giải ngân.
Bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc Tự Doanh, CTCP Chứng khoán DNSE. (Ảnh chụp màn hình).
Còn với ngành cao su thì đây là ngành tương đối mới với thị trường bởi thực tế nhóm ngành này không phục vụ số đông nhà đầu tư mà thường phù hợp với các nhà đầu tư giá trị hay những nhà đầu tư dài hạn có tầm nhìn ít nhất từ 3 đến 5 năm.
Thực tế chỉ ra giá dầu và giá cao su thiên nhiên thường có mối quan hệ thuận chiều. Theo đó, giá dầu đi lên kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp, đồng thời kéo theo giá cao su thiên nhiên có diễn biến tích cực.
Hiện tại giá dầu vẫn đang trong xu hướng tăng, từ đó giá cao su tiếp tục sẽ được hưởng lợi từ giá dầu. Điều này đồng nghĩa với việc giá bán cao su sẽ tăng lên, giá thanh lý cây cao su cũng sẽ tăng lên.
Một câu chuyện nữa ở Cao su Đồng Phú chính là việc chuyển nhượng đất để làm khu công nghiệp, đây sẽ là một khoản lợi nhuận được hạch toán trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và trở thành động lực tăng trưởng lợi nhuận trong trung hạn.