Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam bật khóc và xin chịu trách nhiệm mua máy xét nghiệm COVID-19
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho hay trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như ở Việt Nam, việc mua máy móc thiết bị y tế phục vụ công tác chống dịch là cần thiết.
Sau khi xin chủ trương của UBND tỉnh Quảng Nam về việc mua máy xét nghiệm COVID-19 Realtime PCR, Sở Y tế đã tham khảo giá trên thị trường và đã có báo giá của 3 đơn vị cung cấp là Công ty TNHH Thương mại Tâm Long báo giá 9,328 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư và XNK Y tế Việt báo giá 9,7 tỉ đồng; Công ty CP thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt báo giá 7,56 tỉ đồng.
Đồng thời, Sở Y tế cũng đối chiếu với giá trúng thầu của các địa phương đã mua sắm hệ thống thiết bị tương tự trong thời gian này là Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh (ký hợp đồng ngày 1/3 với giá 8,4 tỷ đồng); CDC Hà Nội (ký hợp đồng ngày 3/3 với giá 7 tỷ đồng).
Qua đó nhận thấy mức giá 7,56 tỷ là hợp lý, quá trình thương thảo, đơn vị cung ứng máy đã giảm xuống còn hơn 7,23 tỷ đồng nên trình với Sở Tài chính thẩm định dự toán theo quy định.
"Hiện tại, máy vẫn đang chạy thử và chưa tiến hành nghiệm thu, Sở Y tế chưa thực hiện chi tiền. Rủi ro về vấn đề pháp lý, tôi là người chịu trách nhiệm tất cả. Nếu nhân viên làm sai thì với trách nhiệm là Giám đốc Sở, tôi cũng xin chịu trách nhiệm tất cả", ông Hai bật khóc.
Ông Phan Văn Chín, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam cho biết, căn cứ vào các quy định hiện hành, Sở Tài chính có tờ trình đề nghị UBND tỉnh phê duyệt phân bổ dự toán và lựa chọn nhà thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động là đúng thẩm quyền và đúng pháp luật, đúng tình hình thực tế tại địa phương.
Ông Chín cũng khẳng định là Sở Y tế Quảng Nam đã thực hiện việc mua máy đúng quy trình. Hiện nay, theo Sở Y tế thông tin là chưa nghiệm thu, chưa thanh lý, chưa thanh toán và Sở Y tế cũng đã kiểm tra trong hệ thống, số tiền mà cấp cho Sở Y tế thì mục này chưa rút dự toán. Như vậy, Sở Y tế chưa thực hiện chi tiền, nếu có xảy ra thất thoát thì cũng chưa xảy ra thất thoát.
Đại diện đơn vị bán máy, bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc Công ty Giải pháp Việt trình bày, thời điểm đó, công ty không biết được giá nhập khẩu, bởi vì đó là giá đầu vào của nhà cung cấp, cụ thể là công ty nhập khẩu thiết bị.
"Vì không biết được giá đầu vào nên chúng tôi không có căn cứ để xác định được giá chúng tôi mua vào là cao hay thấp, và không có căn cứ thực tế để thương thảo về giá với nhà cung cấp. Khi bán máy này cho tỉnh Quảng Nam, đơn vị có mức lãi sau thuế là 1,047 tỷ đồng", bà Tuyến nói.
Bà Tuyến cho biết, xét về “cái tình”, công ty của bà xin giảm tỷ suất lợi nhuận xuống còn 0%. Đồng thời sau khi đã đàm phán thương lượng lại với phía công ty nhập khẩu thiết bị giảm giá nên đơn vị đề xuất xin giảm giá hợp đồng xuống còn 4,853 tỷ đồng.
Kết thúc cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết rằng, tất cả các thông tin đã công khai, minh bạch có sự chứng kiến của các cơ quan thông tấn báo chí. Đây là cuộc họp đầu tiên mà tỉnh Quảng Nam tổ chức công khai sau khi có dư luận xôn xao về việc mua máy xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường.
Ông Lê Trí Thanh khẳng định thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thanh tra toàn bộ các gói thầu liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, ông cũng đã ký công văn giao Thanh tra tỉnh Quảng Nam thực hiện việc thanh tra mua máy móc thiết bị phòng chống dịch trên địa bàn.
“Trước mắt là thanh tra đột xuất về mua sắm máy xét nghiệm này, và đồng thời xây dựng kế hoạch thanh tra tiếp các nội dung còn lại. Yêu cầu thanh tra, thời gian đến ngày 20/5 là phải có kết luận. Hiện nay dư luận đang rất quan tâm, các đơn vị cũng rất cần minh bạch chuyện này”, ông Thanh nhấn mạnh.