Giám đốc phân tích BSC: Việt Nam tiếp tục là điểm đến quan trọng của vốn ngoại
Trong những phiên gần đây, thị trường tăng giảm, đảo chiều liên tục khiến nhà đầu tư kỳ vọng rồi lại chuyển sang lo lắng. Theo các chuyên gia, nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường, nên có tâm lý nhìn thị trường trong ngắn hạn. Còn về dài hạn, các yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước đang hỗ trợ tích cực cho thị trường.
Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS, nhà đầu tư rất chú ý đến chu kỳ vận động của nền kinh tế cũng như chu kỳ vận động của thị trường chứng khoán. Khi thị trường vào những pha điều chỉnh, nền kinh tế gặp thách thức. Khi nhìn xa hơn, cụ thể là vào cuối quý III đến quý IV, thị trường chắc chắn sẽ có sự hồi phục.
Ngoài ra, trong buổi gặp mặt các thành viên thị trường diễn ra mới đây tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, Thứ trưởng Bộ tài chính Nguyễn Đức Tri đánh giá tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao, áp lực lạm phát vẫn lớn nhưng khả quan trong mục tiêu đề ra, thu ngân sách nhà nước vẫn tăng trưởng tích cực.
Trong bối cảnh triển khai rất nhiều chương trình hỗ trợ để phục hồi kinh tế, doanh nghiệp niêm yết cũng đang tăng trưởng tích cực về kết quả kinh doanh. Đây là những yếu tố nền tảng sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi và tăng trưởng bền vững hơn trong thời gian tới.
Chia sẻ trong Talkshow "Phố Tài chính" ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC) đánh giá năm nay có thể là một năm GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng rất mạnh sau đại dịch và từ 2023 trở đi kể cả khi suy thoái thì tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn sẽ duy trì ở mức cao trên 5%, cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.
Bên cạnh các yếu tố vĩ mô thì năm nay kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo cũng tăng trưởng khá tốt với mức trung bình tăng trưởng lợi nhuận rơi vào khoảng trên 20%, mức khá so với trung bình của nhiều năm cũng như so với các quốc gia khác trong khu vực.
Mặc dù từ "khủng hoảng" hay "suy thoái" là từ mà rất nhiều người đang nhắc nhưng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn diễn ra đều đặn và sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gần như vẫn không thay đổi.
"Nhà đầu tư nước ngoài mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng Việt Nam là điểm đến quan trọng của dòng vốn đầu tư của họ, kể cả khi suy thoái có nổ ra ở các quốc gia khác thì Việt Nam chưa chắc đã rơi vào suy thoái và tin tưởng rằng ngay cả khi mà nền kinh tế có trải qua một giai đoạn khó khăn thì Việt Nam sẽ rất nhanh chóng vượt qua giai đoạn đó", chuyên gia này đánh giá.
Về diễn biến thị trường, Giám đốc Phân tích BSC cho rằng khi các nền kinh tế khác bước vào chu kỳ suy thoái và thị trường chứng khoán của các quốc gia khác đã phản ứng khá nhanh với diễn biến này, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có cùng một nhịp giảm gần như đồng pha với các thị trường chứng khoán khác.
Điều này sẽ tạo cơ hội khi kinh tế bắt đầu hồi trở lại. Đó là thời điểm mà kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng bắt đầu phục hồi và kỳ vọng về thị trường chứng khoán tăng trưởng sẽ diễn ra nhanh hơn so với các nền kinh tế tạo đáy.
Theo ông Long, các nhà đầu tư nên hạn chế việc dự báo thị trường trong ngắn hạn, chúng ta có thể xác định đây là giai đoạn thị trường ở vùng sát đáy, nhưng nó không dễ dàng xác định và có thể kéo dài thêm một thời gian.
Lời khuyên mà chuyên gia dành cho nhà đầu tư là thay vì cố gắng để dự báo đáy, chúng ta có thể chia những phần tiền cần giải ngân ra để giải ngân trước một phần, tránh tình trạng nếu thị trường có phục hồi trở lại sớm hơn bình thường nhưng ta lại không có sẵn sàng những cổ phiếu yên tâm trong tài khoản và những những phần giải ngân sau cùng sẵn sàng giải ngân khi thị trường đã phục hồi trở lại.
Ngoài ra bất cứ một đợt suy giảm nào bao giờ cũng sẽ có đợt phục hồi đi kèm với nó. Nếu nhà đầu tư nào quan tâm đến yếu tố ngắn hạn có thể xem xét những ngành có mức suy giảm nhiều nhất trong giai đoạn trước đó.