Giám đốc Phân tích BSC: TTCK đã phản ánh nhiều rủi ro bên ngoài, nhưng để phục hồi cần phụ thuộc nhiều vào yếu tố nội tại
Giới đầu tư toàn cầu đang theo dõi sát sao việc hai ngân hàng của Mỹ mất thanh khoản, đặc biệt là ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB). Lo ngại hiệu ứng domino sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính ngày một lớn. Vậy liệu điều này có nguy cơ xảy ra hay không và đâu là những bài học cho nền kinh tế Việt Nam sau sự việc trên.
Bàn luận về vấn đề này, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ Phần Chứng khoán BIDV (BSC) đã có cuộc trao đổi với BTV Mùi Khánh Ly trong Talkshow “Phố Tài chính”.
BTV Mùi Khánh Ly: Việc ngân hàng Signature và ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) mất thanh khoản khiến giới đầu tư lo ngại về một hiệu ứng Domino, theo ông điều này có thể xảy ra không?
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích BSC:
Tôi nghĩ là khá khó để xảy ra hiệu ứng Domino.Đâu đó cũng sẽ có những ngân hàng như Signature Bank hay SVB lâm vào tình trạng khó khăn nhưng chỉ ở mức độ vừa phải, không ở quy mô có thể ảnh hưởng lớn đến hệ thống. Lần này những chính sách đề ra của Fed rất nhanh chóng và ngay lập tức trấn an người dân và đảm bảo quyền lợi của những người gửi tiền. Như vậy cơ bản thị trường cũng đã dần ổn định lại.
Sự đổ vỡ của một số ngân hàng Mỹ và những hiệu ứng liên quan có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam không?
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Do vậy khi có những khách hàng lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu đi vào tình trạng kinh tế khó khăn hơn thì chắc chắn cầu sẽ suy giảm và ảnh hưởng đến các đơn hàng và gián tiếp ảnh hưởng đến các khối doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước cũng như hoạt động kinh tế thương mại, xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, lãi suất của đồng USD gần như là chỉ báo cho mọi loại lãi suất trên thị trường. Tôi nghĩ rằng trong thời gian sắp tới đây, các nhà chính sách vẫn sẽ phải quan sát rất kỹ những động thái từ các Ngân hàng Trung ương lớn, nhất là ở Hoa Kỳ. Khi Fed có những thay đổi về mặt chính sách lãi suất thì chính sách đó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo ông có những bài học nào cho Việt Nam sau câu chuyện trên để phòng ngừa những điều tương tự có thể xảy ra?
Những vụ việc như ngân hàng SVB ở Mỹ nổ ra không phải sự việc cá biệt, tuy nhiên đây cũng là một chỉ báo cho thấy mặc dù chúng ta luôn luôn muốn thị trường tăng trưởng nhanh, nền kinh tế phát triển thật tốt, hệ thống tăng trưởng rồi tiêu dùng phải liên tục gia tăng nhưng đâu đó nhiệm vụ liên quan đến giám sát hệ thống vẫn rất quan trọng.
Về thị trường chứng khoán, thị trường toàn cầu đã dần ổn định trở lại sau khi phản ứng giảm mạnh trước các thông tin về Ngân hàng Mỹ mất thanh khoản. Theo ông trong thời gian tới thị trường sẽ diễn biến như thế nào?
Sẽ có một độ trễ nhất định để các thông tin có thể thẩm thấu sang các nhà đầu tư Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại tôi thấy độ ảnh hưởng ở mức vừa phải và để phục hồi thị trường Việt Nam sẽ phụ thuộc vào các yếu tố liên quan đến nội tại nhiều hơn.
Nếu xét từ vùng đỉnh của đầu năm 2022 cho đến cuối năm thì chúng ta là một trong những thị trường giảm mạnh nhất thế giới, có thể nằm trong top 5 và rủi ro của suy thoái kinh tế cũng như các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến Việt Nam đã chiết khấu khá nhiều vào thị trường.
Chỉ có điều việc phục hồi như thế nào lại phụ thuộc vào các chính sách trong nước như chính sách tiền tệ, tài khóa cũng như sức bật của chính các doanh nghiệp Việt Nam. Khi những rủi ro về mặt chính sách xuất hiện thì lúc đó thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ lại có những sự điều chỉnh.