Giám đốc chiến lược Dragon Capital: Xuất khẩu, FDI quan trọng nhưng không phải là tiêu chí hàng đầu dẫn dắt nền kinh tế
Tại hội thảo "Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế" do Trung tâm Sản xuất và phát triển Nội dung số VTV Digital, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức sáng 24/5, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital trả lời câu hỏi dòng tiền đã chảy vào lĩnh vực sản xuất để phục vụ cho doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19 hay chưa.
Đại diện Dragon Capital nhắc lại năm 2009 khi khủng hoảng xảy ra, Fed đẩy dòng tiền rất mạnh, cơ quan này có chương trình nới lỏng định lượng 1,2,3 trong 3-4 năm liên tục. Giai đoạn đó khối châu Âu cho rằng dòng tiền này sẽ vào những tài sản mang tính đầu cơ, không vào nền kinh tế. Tuy nhiên sau đó thì dù dòng tiền không đẩy vào sản xuất nhiều nhưng lại giúp kinh tế Mỹ phục hồi, trong khi đó kinh tế châu Âu tiếp tục rơi vào suy thoái.
Theo ông Tuấn, không nên kỳ vọng 80-90% dòng tiền sẽ đi đúng mục tiêu. "Ví dụ đưa ra 100 đồng không nên quá kỳ vọng 80-90 đồng vào đúng mục tiêu. Thay vào đó chỉ nên kỳ vọng 50 đồng vào đúng mục tiêu, 50 đồng chạy vòng vòng, là tốt rồi. Không nên có một kỳ vọng tuyệt đối", ông nói.
Nhìn lại năm 2012, ông Tuấn nhắc đến việc xuất khẩu của Việt Nam rất tốt, tăng trưởng đến 30%, trong khi đó kinh tế thế giới phục hồi nhưng kinh tế trong nước "chết", lạm phát cao, siết chặt lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thị trường chứng khoán, bất động sản đóng băng. "Mặc dù có xuất siêu nhưng nếu kinh tế trong nước có vấn đề thì vẫn không ổn", ông nhấn mạnh.
Giải thích thêm, đại diện Dragon Capital đề cập đến 90% việc làm của Việt Nam được tạo ra từ khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, khối FDI chiếm 70% lượng xuất khẩu thì chỉ tạo ra lực lượng lao động và thuê mướn khoảng 4,5%.
"Cho rằng xuất khẩu để dẫn đường cho kinh tế phát triển mạnh là sai. Ngành xuất khẩu và khối FDI quan trọng nhưng không phải tiêu chí hàng đầu dẫn dắt nền kinh tế, quan trọng nhất là những yếu tố nội tại của nền kinh tế", ông Tuấn nêu quan điểm và cho biết dòng tiền mà Dragon Capital đang quản lý tập trung vào nguồn cung, nguồn cầu trong nước, vào những doanh nghiệp tạo việc làm, giá trị, rất ít tập trung vào khối xuất khẩu.
“Dòng tiền sẽ tập trung vào những doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo được nền tảng vững mạnh trong nước chứ không tập trung vào khối xuất khẩu”, ông Tuấn khẳng định.
Trả lời câu hỏi vì sao lại nhận định diễn biến trên thị trường thế giới gần đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư, ông Lê Anh Tuấn cho hay nếu xét về tăng trưởng kinh tế trên bình diện thế giới cũng như cán cân thương mại, tỷ giá, ổn định vĩ mô thì Việt Nam là một nước rất là sáng trên thế giới hiện tại
"Với xu hướng dịch chuyển sản xuất vào khu vực đông dân, nếu Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô thì triển vọng là rất sáng. Từ đầu năm đến nay dù thế giới nhiều biến động, Fed tăng lãi suất, dòng tiền gần như đi ngang, không ra khỏi Việt Nam 5 tháng vừa qua. Đó cũng là một điểm sáng", ông Tuấn nói.
Nói về những vấn đề tác động đến nền kinh tế Việt Nam, TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng cuộc chiến Ukraine làm đứt gãy thêm chuỗi cung ứng, giá cả tăng mạnh hơn đặc biệt là giá dầu. Áp lực trước đã có, áp lực lạm phát sau lại càng mạnh khiến Fed phải tăng lãi suất nhan hơn.
Ngoài ra còn có những rủi ro liên quan đến việc sản xuất kinh doanh toàn cầu, dịch chuyển dòng vốn từ các nước mới nổi về Mỹ, tăng trưởng của thế giới được dự báo sẽ giảm còn tiếp tục giảm nữa, thậm chí một số khu vực có thể vừa suy thoái vừa lạm phát cao.
“Có cả những yếu tố trực tiếp vừa gián tiếp ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam”, ông Thành cho biết.
Theo ông Thành, hiện nhiều dự báo cho thấy Việt Nam có thể chấp nhận lạm phát tăng cao hơn, cũng với đó là áp lực tỷ giá. Tuy nhiên theo đánh giá của ông, lạm phát sẽ không tăng quá cao (có thể ở mức trên 4,5%).
"Trong khi đó, theo dự báo cán cân thương mại thặng dư, dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng,… do đó chúng ta có thể hoàn toàn có thể kiểm sát được tỷ giá. Đồng thời có thể hạn chế việc nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam. Những dự báo gần đây cho thấy đà phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục và tăng trưởng. Tôi nghĩ kinh tế vĩ mô hiện tại vẫn ổn định và trong tầm kiểm soát”, ông Thành khẳng định.