|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính phủ: Giá dầu tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 và 2023

10:27 | 22/05/2022
Chia sẻ
Chính phủ đánh giá giá dầu tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 và 2023. Do vậy, yêu cầu cần điều hành linh hoạt, kịp thời giá xăng dầu trong nước đồng thời bảo đảm nguồn cung trong thời gian tới.

Theo báo cáo Chính phủ vừa gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết những biến động của tình hình kinh tế - chính trị khu vực và thế giới, lạm phát, giá dầu tăng cao, dịch bệnh kéo dài… đã tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của nước ta trong 4 tháng đầu năm 2022. Cụ thể Chính phủ nêu rõ các khó khăn như sau.

Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính phủ cho biết giá dầu tăng cao từ cuối tháng 2 tác động dây chuyền lên giá cước vận tải, chi phí sản xuất, logisitics, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu…, trong khi công tác điều hành giá xăng dầu còn khó khăn. Chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp 2 lần cùng kỳ các năm 2018-2021, tạo áp lực lớn lên điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cả năm 2022, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

 

Chính phủ đánh giá giá dầu tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 và 2023. Do vậy, yêu cầu cần điều hành linh hoạt, kịp thời giá xăng dầu trong nước đồng thời bảo đảm nguồn cung trong thời gian tới.

Một khó khăn khác nữa là áp lực tăng tỷ giá trong thời gian tới, do lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng cao, Fed tiếp tục có nhiều đợt tăng lãi suất, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài, giá nhập khẩu đầu vào tăng mạnh.

Ngoài ra, nguy cơ nợ xấu, những tồn tại, bất cập của thị trường tài chính, thị trường vốn là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, theo dõi sát sao để có thể xử lý kịp thời. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp có những phiên điều chỉnh mạnh trong tháng 4, một số vụ việc thao túng giá cổ phiếu tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý nhà đầu tư; tiềm ẩn rủi ro đối với tăng trưởng và thị trường tài chính nếu không có giải pháp kịp thời, quyết liệt.

Về đầu tư công, đến ngày 25/4, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn chưa phân bổ chi tiết hơn 38.578 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ, dự án, bằng 7,4% kế hoạch Thủ tướng giao. Tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm đạt 16,36% kế hoạch được giao, tương đương cùng kỳ năm 2021; tuy nhiên, vẫn còn 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân (0%) kế hoạch đầu tư vốn năm 2022. 

Báo cáo cũng cho biết hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với chi phí đầu vào, thức ăn chăn nuôi tăng cao; khai thác thủy sản gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Doanh nghiệp nhìn chung còn gặp khó khăn về tài chính, áp lực tăng lương để tuyển dụng, giữ chân người lao động, chi phí đầu vào tăng cao, một số thị trường bị ảnh hưởng lớn do cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine,...

Theo báo cáo Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2022, có 35,8% doanh nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tăng so với quý IV/2021 (24,9%).

Thương mại, dịch vụ tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,5% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 4,3%, cùng kỳ năm 2021 tăng 7,2%); vận tải hành khách mặc dù phục hồi trở lại trong tháng 4, nhưng tính chung 4 tháng vẫn giảm 6,3%; vận tải hàng hóa 4 tháng chỉ tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2021 tăng 11,2%).

Anh Đào