|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giảm đầu tư công, đầu tư nước ngoài có cơ hội tăng cao

10:15 | 14/08/2016
Chia sẻ
Giảm tỷ trọng đầu tư công, tăng đầu tư nước ngoài – Đó là một trong những nội dung quan trọng trong Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 -2020 mà Bộ KH& ĐT vừa dự thảo.
giam dau tu cong dau tu nuoc ngoai co co hoi tang cao
Giảm tỷ trọng đầu tư công, tăng tỷ trọng đầu tư nước ngoài đem lại nhiều hiệu quả kinh tế cao

Về cơ cấu đầu tư, Đề án thay đổi cơ chế huy động theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư công, bảo đảm tới năm 2020, tổng đầu tư xã hội khoảng 30-35% GDP; tỷ trọng đầu tư nhà nước khoảng 35-40% tổng đầu tư xã hội. Mục tiêu hàng năm tăng dần tiết kiệm từ ngân sách cho đầu tư, dành khoảng 20-25% tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển.

Cùng lúc đó, tổng đầu tư nước ngoài cần tăng 10% mỗi năm, thu hút đầu tư thành công từ ít nhất 150 trong số 500 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới.

Nhìn lại giai đoạn 2011-2015, theo Bộ KH&ĐT, đầu tư nước ngoài tăng lên, đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi, vốn đăng ký giai đoạn 2011-2015 đạt 99 tỷ USD, thực hiện đạt 60,5 tỷ USD. Vốn ODA đạt 27,8 tỷ USD, trong đó giải ngân khoảng 22,3 tỷ USD đóng góp quan trọng vào phát triển kết cấu hạ tầng. Đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục tăng, chiếm khoảng 38,5% tổng đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, tổng đầu tư toàn xã hội so với GDP giảm mạnh (còn khoảng 32,6% GDP vào năm 2015) nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý.

Tái cơ cấu đầu tư công được đánh giá đã đem lại những hiệu quả tích cực, đạt mục tiêu đề ra, đảm bảo huy động hợp lý tổng vốn đầu tư xã hội và vốn đầu tư được phân bổ, sử dụng vào các ngành nghề kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế cao, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.

Tuy nhiên, đề án cũng đề cập tới những hạn chế còn tồn tại trong quá trình tái đầu tư công. Nhiều vấn đề cốt lõi của tái cơ cấu thể chế quản lý đầu tư công chưa được giải quyết, dẫn đến chất lượng của thể chế quản lý đầu tư công Việt Nam còn chưa tốt so với thông lệ quốc tế.

Hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung, và đầu tư công nói riêng còn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Cụ thể,chỉ số ICOR bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 6,92, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Trung Quốc là 6,4, Malaysia là 5,4, Indonesia là 4,64, Philippines là 4,1).

Ngoài ra, còn tồn tại các rào cản thể chế, môi trường kinh doanh chưa bình đẳng và công bằng. Do đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa có động lực và chưa dám đầu tư dài hạn, đầu tư quy mô lớn đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh. Hiệu quả mang lại cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư chưa cao, tỷ suất lợi nhuận trên vốn giảm (năm 2010 là 6,6% và năm 2014 là 6,2%.).

Về mục tiêu, Đề án đặt ra vấn đề quản lý các nguồn đầu tư công hiệu quả, sử dụng vốn hợp lý, mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân trong các ngành, sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng phát triển và các vùng kinh tế động lực.

Về định hướng thực hiện, theo Đề án, nên đổi mới việc lập dự án và đánh giá, trong đó, thẩm định dự án là khâu đột phá quan trọng. Đồng thời, chúng ta cần tập trung tái cơ cấu đầu tư xã hội trong từng ngành hạ tầng trọng điểm các ngành như cảng biển, điện lực, đường sắt, xăng dầu...Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với các tổ chức sự nghiệp công, trước mắt là tự chủ chi thường xuyên đối với các trường đại học, bệnh viện và các tổ chức khoa học công nghệ. Công khai, minh bạch giá các dịch vụ công thiết yếu do Nhà nước kiểm soát , công tư phân minh.

Hoàng Trang

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.