Giảm chi phí xuất khẩu hàng siêu trường, siêu trọng bằng đường sắt
Theo quyết định của Bộ GTVT, từ ngày 19/1/2023, ga Kép (tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng) được phép tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế.
Ngày 26/2, lô hàng từ ga Kép đi Trung Quốc chính thức thông quan. Đây là lô hàng đầu tiên từ ga Kép đi Trung Quốc sau khi hoạt động liên vận quốc tế được chính thức khai trương tại ga này.
Giảm chi phí logistics
Sau hơn 1 tháng hoạt động của tuyến liên vận quốc tế bằng đường sắt từ ga Kép, đại diện Công ty Ratraco - một doanh nghiệp khai thác vận tải logistics liên vận quốc tế cho biết, dù ga Kép mới được đưa vào khai thác hoạt động liên vận quốc tế nhưng sản lượng đã đạt khoảng 600 container.
Nếu như trước đây, việc vận chuyển hàng nhập khẩu từ Nam Ninh (Trung Quốc) về bằng đường bộ, thời gian mất vài ngày. Trường hợp xảy ra ùn tắc tại cửa khẩu đường bộ thì thời gian chờ đợi, vận chuyển sẽ kéo dài, phát sinh chi phí. Nhưng hiện nay, vận chuyển bằng đường sắt từ Nam Ninh về ga Kép, thời gian có thể rút ngắn còn 1 ngày.
“Ga Kép có đường sắt khổ 1.435 mm trùng với khổ đường sắt Trung Quốc nên toa xe tiêu chuẩn từ Trung Quốc sang có thể xếp hàng đi ngay”, đại diện Ratraco cho hay.
Về chi phí, doanh nghiệp này cũng cho biết chỉ tính riêng chi phí vận chuyển đường ngắn từ ga Kép về nhà máy khu vực Bắc Giang so với từ ga Yên Viên đi đã giảm được 35-40%. Còn nếu đi khu vực Cái Lân (Quảng Ninh) còn giảm được nữa.
Ông Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang cũng nhìn nhận, Bắc Giang là một trong 10 tỉnh xuất siêu lớn nhất cả nước năm 2022. Tổng giá trị xuất, nhập khẩu năm 2022 của tỉnh đạt 43,7 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu đạt 22,6 tỷ USD, tăng 42,4%.
Trước đây, khi chưa đưa ga Kép khai thác hoạt động liên vận quốc tế, hàng xuất nhập khẩu bằng đường sắt của Bắc Giang phải khai báo thủ tục xuất nhập tại hải quan ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) hoặc ga Yên Viên (Hà Nội), sau đó dỡ hàng đi bằng đường bộ về nhà máy, mất nhiều thời gian, tăng chi phí.
"Hiện nay, khi ga Kép khai thác hoạt động liên vận quốc tế mang lại thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp và hình thành một đầu mối trung chuyển hàng hóa cho Bắc Giang và tỉnh lân cận, giúp giảm chi phí logistics. Bắc Giang giống như mở được một cửa khẩu quốc tế”, ông Hưởng nói.
Sẵn sàng bãi hàng gần 28.000 m2 cho container tập kết
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, đại diện Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết để chuẩn bị cho phương án khai thác hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép, năm 2022, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã hoàn thành việc nâng cấp cải tạo và sửa chữa (giai đoạn 1) bãi hàng có tổng diện tích 27.658 m2, đảm bảo đủ điều kiện hoạt động vận tải liên vận quốc tế hàng hóa bằng đường sắt. Bãi hàng có kết cấu bê tông cốt thép đủ tiêu chuẩn chứa container; xe chở container, hàng nặng và cẩu chuyên dụng hoạt động.
Giai đoạn 2 (từ năm 2025), sẽ tiến hành xây dựng kho bãi ngoại quan để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn Bắc Giang, Bắc Ninh và các tỉnh lân cận. Bãi hàng chuyên tiếp nhận container lạnh chuyển tải từ phía nam ra tập kết, làm thủ tục hải quan và xếp vận chuyển bằng đường sắt xuất khẩu sang Trung Quốc. Năng lực dự kiến giai đoạn 2 tăng thêm 2-2,5 đôi tàu/ngày.
Trước đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã báo cáo cấp có thẩm quyền “Phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt”, trong đó kiến nghị lập ga Kép là ga liên vận quốc tế để hỗ trợ cho ga liên vận quốc tế Đồng Đăng và Yên Viên do nhiều thời điểm hai ga này không đáp ứng được khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao, dẫn đến ách tắc.
Theo Tổng Công ty, ga Kép là ga cấp 2, có lý trình tại Km 68+700 thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, là điểm bắt đầu của 2 tuyến đường sắt Kép - Hạ Long - Cái Lân và Kép - Lưu Xá, đều chạy được tàu khổ 1.435 mm.
Nhà ga có các công trình kiến trúc phục vụ điều hành chạy tàu và kinh doanh vận tải như: Có 9 đường sắt trong ga gồm 4 đường đón gửi tàu với sức chứa từ 21-34 toa xe; 5 đường xếp dỡ với sức chứa từ 15 đến 32 toa xe; có 2 kho chứa hàng, 2 bãi xếp dỡ kết cấu nền đất; có ke xếp dỡ cơ giới. Tổng diện tích khu ga 102.149 m2, bãi hóa trường phía nam ga (ngoài ga) có diện tích hơn 27.657 m2.
Về vị trí, ga Kép nằm trên địa bàn huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, giáp với huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, thuận lợi do nằm trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hơn nữa, gần các khu công nghiệp hiện nay cũng như theo quy hoạch của tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn.
Việc vận chuyến hàng hóa bằng đường bộ từ ga Kép đến các khu công nghiệp trong khu vực khá thuận lợi. Trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng định hướng ga Kép được quy hoạch để kết nối với Trung tâm cảng cạn Bắc Giang (Đồng Sơn - Hương Sơn).
Sẽ nâng cấp, cải tạo 7 nhà ga hàng hóa liên vận quốc tế
Có thể thấy, mô hình vận tải hàng hóa liên vận quốc tế tại ga Kép cần được nhân rộng để nâng cao năng lực vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt, góp phần giảm tải cho đường bộ hiện nay.
Được biết, cuối năm 2022, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030.
Mục tiêu nhằm nâng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt từ 1,1 triệu tấn vào năm 2021 lên 4 - 5 triệu tấn vào năm 2030, trong đó, hàng đi tuyến Bắc - Nam, Hà Nội - Đồng Đăng đạt sản lượng 3 triệu tấn/năm; tuyến Hải Phòng - Yên Viên - Lào Cai là 1,5 triệu tấn/năm.
Đồng thời, đưa cửa khẩu xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt vào sâu trong nội địa tại các địa phương để giảm thời gian, chi phí vận tải; tăng thuận lợi cho kết nối và hoạt động logistics, từ đó tăng sản lượng, thị phần vận tải đường sắt.
Để thực hiện được mục tiêu này, giai đoạn 2022 - 2025, Bộ GTVT sẽ đầu tư, nâng cấp 7 ga phục vụ vận tải liên vận quốc tế gồm: Đồng Đăng, Lào Cai, Kép, Vật Cách, Kim Liên, Diêu Trì, Sóng Thần với tổng mức đầu tư dự kiến 867 tỷ đồng.
Theo Bộ GTVT, vấn đề cần nhất lúc này là công bố các ga có hoạt động liên vận đường sắt quốc tế tương tự công bố cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế.
Hiện trên hệ thống đường sắt Việt Nam có 14 ga có nhu cầu vận tải liên vận quốc tế, trong đó có 7 ga đã công bố liên vận quốc tế, 7 ga chưa được công bố (Đông Anh, Kép, Sen Hồ, Kim Liên, Diêu Trì, Trảng Bom, Vật Cách).
“Nếu không được công bố ga liên vận quốc tế sẽ không đủ điều kiện mở chi nhánh hải quan tại các ga, làm hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, năng lực vận tải bằng đường sắt. Việc công bố ga liên vận quốc tế không gây thất thoát, lãng phí nhưng mang lại lợi ích lớn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, khai thác hiệu quả các ga đường sắt hiện có, giảm chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/