Giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô, người tiêu dùng tiết kiệm đến hàng trăm triệu đồng
Từ 1/7/2023, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đăng ký mới được giảm 50%, đây được xem là liều “doping” giúp thị trường ô tô vực dậy sau 2 tháng liên tiếp ghi nhận doanh số giảm mạnh.
Liều “doping” để vực dậy thị trường
Ngày 28/6, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2023/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký lăn bánh lần đầu sẽ giảm 50%.
Theo đó, Nghị định 41/2023/NĐ-CP có hiệu lực lực thi hành từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 quy định mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ.
Từ ngày 1/1/2024 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP.
Theo Bộ Tài chính, tình hình kinh tế - xã hội trong nước từ đầu năm đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức; trong đó có ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong khi đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đánh giá doanh số bán hàng của ngành đã có sự suy giảm, đặc biệt là từ những tháng cuối năm 2022, điều này cho thấy những tín hiệu bất thường và đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp trong ngành.
Từ đầu năm 2023 đến nay, ngoại trừ tháng 2 và tháng 3 doanh số bán hàng có mức tăng trưởng 30-33%, các tháng còn lại đều giảm từ 8% đến 51% so với những tháng liền trước và giảm đến 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo bán hàng của VAMA, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, các đơn vị thành viên VAMA có tổng doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 113.527 xe, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.
Với việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ cho ô tô lần này, đây là lần thứ 3 trong 3 năm qua, kể từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19 ở Việt Nam, lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm một nửa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn và kích thích tiêu dùng.
Tại thị trường ô tô Việt Nam hiện nay, xe sản xuất lắp ráp trong nước đang có giá bán thấp nhất từ 356 triệu đồng đối với Kia Morning và cao nhất đến 5,749 tỷ đồng đối với Mercedes-Benz S 450 Luxury, giá xe lăn bánh sẽ giảm tương ứng từ 17,8 triệu đến 345 triệu đồng theo quy định mới.
Theo các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, để góp phần kích thích tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, việc tiếp tục thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được coi là "phao cứu sinh" - giải pháp cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Đặc biệt, chính sách này được các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước kỳ vọng sẽ tạo được động lực kích cầu, kích thích tâm lý nhu cầu mua sắm ô tô của người dân. Đồng thời sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước giảm bớt áp lực sau nhiều tháng liên tiếp gồng mình chịu lỗ để đẩy hàng tồn nhằm vực dậy doanh số.
Người tiêu dùng hưởng lợi kép
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, việc Chính phủ đồng ý giảm 50% thuế lệ phí trước bạ trong thời gian 6 tháng đối với xe lắp ráp trong nước sẽ là động lực lớn để thúc đẩy sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, hạn chế ô tô nhập khẩu và kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng do tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Không chỉ vậy, chính sách giảm phí trước bạ này có thể còn tăng nguồn thu cho ngân sách từ ngành công nghiệp quan trọng này. Dẫn chứng cho điều này, khi Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ trong 6 tháng kể từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, giá lăn bánh xe mới giảm theo từ 15 triệu đến gần 300 triệu đồng, đã giúp số lượng xe ô tô đăng ký mới tăng gấp đôi nên dù số thu lệ phí trước bạ giảm 7.314 tỷ đồng, nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước lại tăng gần gấp đôi với 14.110 tỷ đồng.
Còn dưới góc nhìn của chuyên gia trong ngành, anh Vĩnh Nam cho rằng, việc giảm 50% lệ phí trước bạ là cơ hội tốt cho người tiêu dùng mua sắm ô tô và cũng là cơ hội để doanh nghiệp giải phóng bớt số lượng lớn xe tồn kho. Đồng thời cũng để doanh nghiệp tái sản xuất sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và tồn kho lớn do không tiêu thụ được xe. Đồng thời cũng để doanh nghiệp tái sản xuất sau thời gian dài có lượng xe tồn đọng lớn do sức tiêu thụ ảm đạm từ khó khăn chung của nền kinh tế.
Theo chuyên gia Vĩnh Nam, với mức giảm lệ phí này, khách hàng mua các dòng xe sang có trị giá hàng tỷ đồng sẽ được hưởng lợi lớn. Trong khi đó, đa số người tiêu dùng trong nước chủ yếu mua xe ở tầm giá trên dưới 500 triệu đồng, nên mức giảm theo quy định mới chỉ được hưởng khoảng 30 triệu đồng trở xuống. Mức giảm này tương đương với mức ưu đãi của các nhà phân phối và đại lý đang áp dụng lâu nay.
Theo THACO AUTO – đơn vị đang sản xuất, lắp ráp và phân phối các thương hiệu xe Kia, Mazda, Peugeot và BMW, trong bối cảnh thị trường ô tô Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay liên tục sụt giảm doanh số, chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo động lực kích cầu mua sắm ô tô của người tiêu dùng, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô lấy lại đà tăng trưởng doanh số.
THACO AUTO đánh giá việc giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ không trực tiếp làm thay đổi giá bán niêm yết của xe, đồng nghĩa với việc khách hàng chỉ cần đóng phí trước bạ từ 5-6% giá trị xe, thay vì 10-12% như trước đây, nhờ đó, người mua ô tô lắp ráp trong nước sẽ tiết kiệm được khoản tiền khá lớn khi làm thủ tục lăn bánh.
Đơn cử, khách hàng mua xe từ tháng 6 và xuất hóa đơn, đăng kí mới từ tháng 7 sẽ được hưởng ưu đãi kép, tiết kiệm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng khi vừa giữ được chương trình giá tốt nhất trong tháng 6, đồng thời còn được hưởng lợi thêm từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ từ nhà nước. Như vậy, đây là cơ hội tốt giúp khách hàng có thể tiết kiệm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng khi sở hữu các mẫu xe ô tô lắp ráp trong nước...