|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hết thời hạn giảm 50% lệ phí trước bạ, thị trường ô tô Việt có thể gặp khó

08:15 | 01/12/2024
Chia sẻ
Từ ngày 1/12/2024, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ chính thức hết hiệu lực.

Các mẫu ô tô Honda trưng bày tại sự kiện. (Ảnh: Văn Xuyên/TTXVN).

Từ ngày 1/12/2024, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ chính thức hết hiệu lực. Đây là thời điểm đánh dấu một giai đoạn mới đầy thách thức cho thị trường ô tô Việt Nam.

Từ 1/12/2024, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ hết hiệu lực

Chính sách này được áp dụng theo Nghị định số 109/2024/NĐ-CP ngày 29/8/2024 về quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ từ ngày 1/9 đến hết ngày 30/11/2024 đã giúp kích cầu mạnh mẽ trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, khi ưu đãi kết thúc, nhiều chuyên gia dự báo doanh số bán xe sẽ giảm sút, đặc biệt là đối với các mẫu xe sản xuất trong nước.

Trong những ngày cuối cùng của chính sách ưu đãi, thị trường ô tô trở nên sôi động. Các đại lý ghi nhận lượng khách hàng tăng cao với nhiều mẫu xe được giảm giá mạnh. Đây được xem là thời điểm vàng để sở hữu ô tô với mức giá tốt nhất trong năm.

Tại một showroom Honda ở Hà Nội, lượng khách hàng đến xem và chốt đơn tăng đáng kể. Nhờ hưởng lợi từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ và các chương trình khuyến mãi từ hãng, các mẫu xe như Honda City và CR-V đang thu hút sự quan tâm lớn. Khách hàng mua Honda City được giảm từ 20-30 triệu đồng, trong khi Honda CR-V có mức ưu đãi lên đến 100 triệu đồng. Đặc biệt, Honda Accord dù là xe nhập khẩu nguyên chiếc nhưng vẫn được hỗ trợ đến 220 triệu đồng cùng với nhiều ưu đãi hấp dẫn khác từ mhà phân phối.

Toyota cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi tiếp tục triển khai chương trình khuyến mãi cho các mẫu xe như Vios, Yaris Cross, Veloz Cross, Avanza Premio và Corolla Cross. Khách hàng có cơ hội nhận ưu đãi kép tới 100% lệ phí trước bạ, tương đương 70 triệu đồng tiền mặt… Thậm chí, cận ngày hết ưu đãi lệ phí trước bạ, nhiều khách hàng còn ký hợp đồng trước để hưởng ưu đãi kép từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ và chương trình ưu đãi của nhà sản xuất hoặc đại lý, nhưng tháng sau mới nhận xe.

Với ưu đãi như trên, trong các tháng 9 và 10/2024, thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ về doanh số nhờ chính sách giảm lệ phí trước bạ kết hợp với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn từ các hãng xe.

Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số ô tô tháng 10/2024 đạt khoảng 60.000 xe, tăng 10% so với tháng trước. Tháng 9/2024, doanh số đạt trên 55.000 xe, tăng 30% so với tháng 8/2024. Các mẫu xe sản xuất trong nước được hưởng lợi lớn từ chính sách này, giúp khách hàng tiết kiệm từ 17-235 triệu đồng khi mua xe.

Một dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô. (Ảnh: TTXVN).

Dự báo khó khăn sau kết thúc chính sách

Mặc dù doanh số bán xe tăng mạnh, lượng xe tồn kho vẫn là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2024, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 281.400 chiếc, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Đồng thời, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 143.084 chiếc, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nguồn cung ô tô, bao gồm cả lượng tồn kho từ năm 2023, ước tính đạt gần 500.000 xe, trong khi doanh số tiêu thụ chỉ khoảng 380.000 xe, tạo ra sự dư thừa khoảng 100.000 xe.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, lượng xe tồn kho từ năm 2023 vẫn chưa được tiêu thụ hết trong khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ chỉ được áp dụng 3 tháng. Điều này buộc các hãng xe và đại lý phải liên tục triển khai các chương trình ưu đãi sâu để cạnh tranh đẩy hàng tồn kho.

Theo VAMA, sau khi chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ kết thúc vào ngày 30/11/2024, doanh số xe sản xuất trong nước dự kiến sẽ giảm mạnh. Nhu cầu mua xe đã tăng cao trong giai đoạn tháng 9-11 nhờ các ưu đãi lớn, dẫn đến khả năng giảm sút vào tháng 12/2024. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt từ xe nhập khẩu.

Bên cạnh đó, việc nhiều mẫu xe mới và phiên bản nâng cấp liên tục ra mắt cũng tạo thêm thách thức, buộc các nhà sản xuất phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để thích ứng với thị trường.

Dự kiến, tổng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cả năm 2024 sẽ đạt trên 350.000 xe, chỉ tăng nhẹ so với 347.400 xe của năm 2023. Ngược lại, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dự kiến đạt hơn 180.000 xe, tăng mạnh so với 118.942 xe của năm 2023. Sự tăng trưởng vượt trội của xe nhập khẩu cho thấy, khả năng cạnh tranh mạnh mẽ, khiến các mẫu xe sản xuất trong nước gặp khó khăn trong việc giành lại thị phần.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ chấm dứt, thị trường ô tô Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn đầy thách thức. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước buộc phải có các giải pháp để giữ thị phần trước sự cạnh tranh khốc liệt từ xe nhập khẩu.

Sự biến động này không chỉ phản ánh tình hình kinh tế mà còn là thước đo cho khả năng thích ứng và phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong giai đoạn mới. Việc cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu thị trường, cùng với chiến lược kinh doanh linh hoạt, sẽ là yếu tố quyết định cho sự thành công trong tương lai.

Văn Xuyên