|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành vẫn chậm

02:31 | 15/10/2021
Chia sẻ
Diện tích đất đã thu hồi tại dự án sân bay Long Thành là 1.284,57 ha, chỉ đạt 50,7% diện tích cần thu hồi.

Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tại báo cáo này, một trong những thông tin đáng chú ý là tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án này đang chậm so với tiến độ được duyệt và kế hoạch vốn được phân bổ.

Theo đó, báo cáo của Chính phủ cho biết, lũy kế giải ngân từ năm 2018 đến đầu tháng 10/2021 tại dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư mới đạt hơn 10.698 tỷ đồng, tương đương 46,81% vốn được bố trí.

Diện tích đất đã thu hồi tại dự án là 1.284,57 ha, chỉ đạt 50,7% diện tích cần thu hồi. Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, UBND tỉnh Đồng Nai đã huy động mọi nguồn nhân, vật lực để triển khai công tác phòng, chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, ảnh hưởng không nhỏ tới việc giải phóng mặt bằng của dự án.

Vướng mắc lớn thứ hai là tại phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án có khoảng 1.000 hộ dân đang gặp khó khăn trong xử lý hồ sơ bồi thường. Điều mấu chốt là nếu không giải phóng toàn bộ mặt bằng sạch của giai đoạn 1 theo đúng tiến độ sẽ ảnh hưởng đến biện pháp thi công tổng thể giai đoạn 1.

Đặc biệt, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đang gặp khó trong việc triển khai thực hiện giải trình với Kiểm toán nhà nước theo thông báo số 509/KTNN ngày 31/12/2020, như: điều chỉnh khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; không hỗ trợ chuyển đổi việc làm đối với các đối tượng nhân công, nội trợ; các nhân khâu trong sô hộ khẩu có mối quan hệ gia đình... thì không đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất; giá trị bồi thường, hỗ trợ vườn cây của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai.

“Hiện các nội dung vướng mắc nêu trên đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tổ chức các cuộc họp kiểm điểm tiến độ để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành vẫn chậm - Ảnh 1.

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. (Ảnh: Vietnamnet).

Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là 3 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành do Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư đang bám sát kế hoạch đề ra.

Tại Dự án thành phần 1 - Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ cho biết là hiện các cơ quan (Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Tài chính) đang thực hiện lập và trình kế hoạch đầu tư công trung hạn  giai đoạn 2021-2025 để đầu tư các công trình cơ quan quản lý nhà nước tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm: đồn công an cửu khẩu, Hải quan, Cảng vụ hàng không.

Báo cáo của Chính phủ khẳng định, trường hợp được bố trí vốn trung hạn 2021-2025 thì các chủ đầu tư sẽ đầu tư các công trình đảm bảo tiến độ. Bởi, đây là các công trình dân dụng thông thường, không phức tạp, thời gian chuẩn bị dự án mất khoảng từ 6-12 tháng, thời gian thi công khoảng 24 tháng, đảm bảo hoàn thành trong năm 2025.

Đối với Dự án thành phần 2 - các công trình phục vụ quản lý bay và Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không cũng cơ bản đảm bảo tiến độ theo dự kiến.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị ngành hàng không xác định hạng mục Đài kiểm soát không lưu và Nhà ga hành khách hai công trình quan trọng của dự án. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) là chủ đầu tư Dự án thành phần 2 và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là chủ đầu tư Dự án thành phần 2 phải tập trung đẩy tiến độ công tác chuẩn bị hạng mục này đế không ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.

Ngoài ra, các đơn vị cũng xác định đại dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng tới việc sản xuất, nhập khẩu một số thiết bị chuyên dụng và huy động chuyên gia Tư vấn nước ngoài nên cần chủ động có các giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng này.

Đối với Dự án thành phần 4, Chính phủ cho biết là sau khi ban hành Thông tư về lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sẽ công bố danh mục các dự án và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2022, đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2025.

Dự án thành phần 4 - các công trình khác bao gồm các hạng mục dự kiến đầu tư theo hình thức xã hội hóa như: nhà ga hàng hoá số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, kho giao nhận hàng hoá, khu xử lý vệ sinh tàu bay, khu bảo dưỡng trang thiết bị mặt đất, khu cung cấp suất ăn trên tàu bay...

“Hàng tháng, Bộ Giao thông Vận tải đã và đang tiếp tục họp chỉ đạo các chủ đầu tư Dự án thành phần 2 và Dự án thành phần 3 để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng vào nửa đầu năm 2025, kịp thời vận hành thử nghiệm và đưa vào khai thác cuối năm 2025”, báo cáo của Chính phủ cho hay.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được chia làm 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 3 hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Khái toán cho toàn bộ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành khoảng 336.630 tỷ đồng, tương đương khoảng 16,06 tỷ USD, áp dụng tỷ giá của năm 2014. Trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng, tương đương 5,45 tỷ USD.

Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Quang Toàn

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.