Giải pháp giảm giá thành vụ Đông Xuân các tỉnh phía Nam
Do đó, để đảm bảo sản xuất đúng tiến độ, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao, các địa phương và người sản xuất đang chú trọng các giải pháp để kéo giảm chi phí đầu vào.
Giá vật tư khó giảm
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, sản xuất vụ Thu Đông, vụ Mùa năm 2021 chịu ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19, kèm theo đó là mực nước lũ ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thấp nhưng cơ bản đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022, các tỉnh phía Nam dự kiến gieo cấy trên 1,6 triệu ha, đến nay chỉ mới xuống giống 300.000 ha.
Theo phân tích của ông Lê Thanh Tùng, trong cơ cấu chi phí sản xuất lúa gạo, chi phí giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chiến gần 50%. Với diện tích gieo sạ dự kiến, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ sẽ cần khoảng hơn 160.000 tấn lúa giống.
Về phân bón, dự tính nhu cầu phân URE hơn 300.000 tấn, 560.000 tấn lân, 77.000 tấn Kali cộng với hơn 450.000 tấn phân hỗn hợp.
Trong những năm trước, vụ Đông Xuân luôn là vụ sản xuất có sản lượng cao nhất với chi phí thấp nhất. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân năm nay đối mặt với tình trạng giá vật tư đầu vào tăng cao khiến cả nông dân và doanh nghiệp gặp khó khăn.
Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết, hiện nay đang xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất phân bón, ngay cả với Bình Điền thì việc tìm nguồn cung cấp cũng đang gặp không ít khó khăn.
Giá nguyên liệu phân URE trên thị trường thế giới hiện đã lên trên 1.000 USD/tấn, như vậy, một bao 50kg tương đương với hơn 1 triệu đồng, các loại khác như SA hay KCL cũng ở mức rất cao.
Theo ông Phan Văn Tâm, giá nguyên liệu phân bón tăng cao là vấn đề toàn cầu, không chỉ riêng ở Việt Nam. Việc sản xuất phân hỗn hợp trong nước hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu nên hầu như không thể can thiệp để giảm giá.
Liên quan đến giống, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, với đặc thù sản xuất, mỗi vụ tỉnh Kiên Giang có nhu cầu rất lớn về giống, trên 33.600 tấn giống/vụ; trong đó, giống chất lượng cao chiếm trên 90%.
Tuy nhiên, lượng giống chính quy, có bản quyền chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế, còn lại đều là nguồn giống được trao đổi trong người dân. Hiện nay, có hiện tượng giống đóng bao bì không có nhãn mác cung ứng giữa các đại lý tới tay người nông dân nên gây khó khăn cho việc quản lý.
Bên cạnh đó, giá bán giống lúa, nhất là những giống lúa bản quyền liên tục tăng, trước đây giá bán trung bình 13.500 đồng/kg, hiện nay đã tăng lên khoảng 15.000 đồng/kg, có giống lên tới 15.800 đồng/kg.
Về vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiện nay theo ghi nhận tại tỉnh Kiên Giang đang có mức tăng từ 30-40%, trong khi giá bán lúa không tăng đang tạo gánh nặng chi phí, giảm lợi nhuận của người trồng lúa.
Cần các mô hình giảm chi phí
Ông Phan Văn Tâm cho rằng, giá phân bón thế giới khó có khả năng giảm trong thời gian tới, do đó, các cơ quan chức năng nên có phương án giúp nông dân thích ứng và đối phó.
Theo đó trước mỗi mùa vụ, ngành nông nghiệp cần có diễn đàn về tình hình thị trường, dự báo nhu cầu và nguồn cung vật tư đầu vào theo giai đoạn đó để đưa ra chiến lược sản xuất phù hợp, đảm bảo được lợi nhuận cho người nông dân dù có biến động về giá vật tư đầu vào.
Theo ông Tâm, trong bối cảnh giá phân vô cơ tăng cao, các địa phương cũng nên khuyến nghị nông dân tận dụng nguồn phân hữu cơ sẵn có cho cây trồng. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hàm lượng chất hữu cơ trong đất rất tốt, tuy nhiên, để khai thác hiệu quả được lợi thế này cần có những nghiên cứu cụ thể và phương pháp phù hợp.
Chia sẻ về giải pháp khai thác nguồn dinh dưỡng sẵn có trên đồng ruộng, bà Bùi Thị Hồng Hà, Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, thời gian qua, tình trạng đốt đồng diễn ra khá phổ biến đã làm lãng phí nguồn phân bón quý từ rơm rạ, một số nơi khá hơn thì nông dân cuộn rơm bán ra ngoài mà chưa tận dụng được nguồn nguyên liệu phân bón hữu cơ này vào vụ sản xuất tiếp theo.
Theo bà Bùi Thị Hồng Hà, hiện nay nông dân đã có thể xử lý rơm rạ tại chỗ bằng vi sinh vật để cải tạo đồng ruộng.
Phương pháp này có thể giảm phân hóa học tổng hợp từ 30-50% tùy lượng rơm rạ để lại trên đồng, giảm 30-50% lượng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn cho năng suất lúa tương đương, thậm chí chất lượng lúa được đánh giá cao hơn.
Bên cạnh đó, nông dân cũng thu được các giá trị khác như giá bán lúa cao hơn, chất lượng hương và vị hạt gạo tăng rõ rệt, chất lượng đất tốt, bùn nhiều, sức khỏe cây trồng tốt và xanh lá đến khi thu hoạch.
Cùng đó, sức khỏe người nông dân tăng tỷ lệ thuận với mức độ giảm thuốc bảo vệ thực vật trong chăm sóc lúa.
Nhiều giải pháp gieo sạ giảm giống, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng được các chuyên gia khuyến nghị nhằm giảm chi phí đầu tư cho nông dân trong bối cảnh hiện nay.
Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang nhận định, hiện nay giá vật tư đầu vào, phân bón đang là rào cản lớn đối với lợi nhuận của người nông dân.
Do đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt cần đưa ra mô hình sản xuất giảm chi phí, giảm giá thành hiệu quả để các tỉnh hướng dẫn nông dân thực hiện.
Muốn giảm được một phần chi phí đầu vào, cần tạo điều kiện để hợp tác xã có thể nhận được sản phẩm, vật tư nông nghiệp trực tiếp từ nhà máy sản xuất, giảm chi phí trung gian cho bà con nông dân.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng triển khai, mở rộng hệ thống kho chứa phục vụ nhu cầu sản xuất, lưu trữ lúa gạo trong thời điểm thu hoạch rộ, đảm bảo giá lúa ổn định cho người trồng lúa, ông Trương Kiến Thọ kiến nghị thêm.