|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giải nghĩa cụm từ 'cắt giảm lãi suất dần dần' của Fed

07:21 | 06/12/2024
Chia sẻ
Với sự trở lại của Tổng thống đắc cử Donald Trump, tính độc lập trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cần được thảo luận thêm và quyết định về lãi suất sẽ trở nên khó đoán hơn.

 

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Reuters).

Theo bài viết của giáo sư Lưu Anh, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương, Đại học Nhân dân Trung Quốc, đăng trên trang mạng kinh tế thế kỷ XXI (21jingji.com), nhanh chóng hạ lãi suất sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay của nước Mỹ, các nhà hoạch định chính sách chỉ có thể áp dụng phương pháp tiếp cận thận trọng và tiến hành hạ lãi suất dần dần thay vì ngay lập tức.

Tác giả nhận định, với sự trở lại của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump 2.0, tính độc lập trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần được thảo luận thêm và quyết định về lãi suất sẽ trở nên khó đoán hơn.

Dữ liệu mới nhất cho thấy, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 10/2024 của Mỹ đã tăng nhẹ 0,2% so với tháng trước và tăng 2,3% so cùng kỳ năm ngoái, trong khi PCE lõi (không bao gồm biến động giá thực phẩm và năng lượng) ghi nhận mức tăng 0,3% so với tháng 9/2024 và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù hoạt động kinh tế tổng thể đã chậm lại, nhưng tỷ lệ lạm phát tiếp tục nhích nhẹ, cho thấy áp lực lạm phát vẫn còn đáng kể.

Một ngày trước khi dữ liệu PCE được công bố, Fed đã công bố biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC).

Biên bản đề cập đến sự cần thiết phải áp dụng cách tiếp cận dần dần để điều chỉnh quan điểm của chính sách tiền tệ. Thông tin này có thể hiểu là Fed sẽ thận trọng hạ lãi suất trong thời gian tới thay vì lựa chọn bước đi táo bạo hơn.

Dựa trên nguồn dữ liệu kinh tế thực tế và cách giải thích về hoạt động của FOMC, các nhà phân tích dự báo Fed sẽ nhanh chóng lựa chọn giảm mạnh lãi suất, giống như việc cơ quan này đã thực hiện khi đã cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9/2024.

Trong giai đoạn đầu của chu kỳ tăng lãi suất mới nhất, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ Mỹ đã sử dụng phương pháp tăng lãi suất mạnh để kiểm soát lạm phát cao. Fed chỉ mất 11 lần tăng lãi suất từ 0% lên mức cao 5,25% - 5,5%, trong đó có nhiều lần đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.

Trong biên bản cuộc họp tháng mới nhất, Fed cho biết tỷ lệ đòn bẩy của các công ty phi tài chính đã vượt quá mức kỷ lục. Mặc dù những công ty niêm yết vẫn có khả năng trả nợ tốt, nhưng tỷ lệ nợ của các công ty tư nhân có tỷ lệ trả lãi rất thấp vẫn tiếp tục tăng.

Điều này cho thấy bảng cân đối kế toán của các công ty có mức độ rủi ro cao đang trở nên tệ hơn. Từ góc độ vĩ mô, các con số cho thấy việc đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lãi suất là hợp lý. Nhưng do những giới hạn trong tác động của nhiều yếu tố, Fed chỉ có thể thực hiện các biện pháp cắt giảm lãi suất dần dần.

Tác giả lý giải, cắt giảm lãi suất dần dần là biện pháp mà Fed buộc phải thực hiện. Cuộc họp lãi suất của Fed nhấn mạnh rằng rủi ro lạm phát gia tăng ở Mỹ bao gồm, nhưng không giới hạn, ở khả năng gián đoạn đột ngột trong chuỗi cung ứng toàn cầu do diễn biến địa chính trị, điều kiện tài chính nới lỏng và mức tiêu dùng mạnh hơn dự kiến, giá nhà ở tăng kéo dài hơn, hoặc chi phí bảo hiểm y tế, ô tô hoặc nhà ở tăng đáng kể.

Tất cả những yếu tố này có thể dẫn đến lạm phát tiếp tục gia tăng, đây cũng là động lực cơ bản để Fed áp dụng chính sách cắt giảm lãi suất dần dần. Tóm lại, Fed sẽ không mạo hiểm cắt giảm lãi suất nhanh theo kỳ vọng của thị trường, vì những lo ngại về sự tái diễn của lạm phát cao.

Lạm phát cao được phản ánh trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế và đời sống. Cho đến nay, người dân Mỹ vẫn lo lắng về tác động của lạm phát cao và giá cả đã tăng không thể phục hồi được.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát của Fed chỉ tập trung vào việc liệu mức tăng trong tương lai có thể được kiểm soát ở mức 2% hay không và tiền đề của các biện pháp giảm lãi suất là lạm phát phải được kiểm soát, bất kể nó có tạo thành một chính sách tiền tệ độc lập hay không. Đây là một nhiệm vụ phải được hoàn thành.

Tiếp theo, cắt giảm lãi suất dần dần vẫn là biện pháp mà Fed không thể không thực hiện để cắt giảm lãi suất. Đánh giá từ các nhiệm vụ theo luật định của Fed, duy trì sự ổn định tiền tệ là nhiệm vụ cơ bản và mục tiêu cốt lõi của việc xây dựng chính sách.

Nếu tuân theo các yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc làm đầy đủ và giảm tỷ lệ đòn bẩy, cơ quan quản lý tiền tệ của Mỹ nên cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, nếu cắt giảm lãi suất quá nhanh sẽ khó kiểm soát lạm phát gia tăng.

Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh về việc sẽ áp thuế cao đối với hàng hóa toàn cầu nhập khẩu vào Mỹ. Mới đây, ông tuyên bố, sau khi chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ, ông sẽ áp thuế cao 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico – hai quốc gia láng giềng đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ.

Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Canada-Mexico (USMCA) được ký kết trong nhiệm kỳ tổng thống lần thứ nhất của ông Trump sẽ sớm hết hiệu lực.

Nhờ hiệp định này, nhiều sản phẩm xuất nhập khẩu giữa Mỹ, Canada và Mexico giữ nguyên mức thuế 0%. Một khi Mỹ đơn phương hủy bỏ USMCA, Canada và Mexico có thể sẽ đáp trả bằng các mức thuế tương ứng.

Công Tuyên

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.