|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giải ngân vốn đầu tư công ở Hà Nội đạt thấp, nhiều dự án chậm tiến độ

20:16 | 26/09/2019
Chia sẻ
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chỉ rõ nguyên nhân của việc thực hiện và giải ngân chậm kế hoạch đầu tư công năm 2019 là do các dự án khởi công cuối năm 2018 đã tạm ứng hợp đồng và sang đầu năm 2019, chủ đầu tư cùng với nhà thầu phải thực hiện hoàn trả khối lượng đã ứng.
Giải ngân vốn đầu tư công ở Hà Nội đạt thấp, nhiều dự án chậm tiến độ - Ảnh 1.

Đoạn đầu đường Trường Chinh-Ngã Tư Vọng thuộc dự án xây dựng đường vành đai 2. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ngày 26/9, tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã quý 3 năm 2019 về tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết tiến độ giải ngân vốn đầu tư cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã đến thời điểm này cơ bản là chậm.

Cùng với đó, có rất nhiều các dự án, công trình vẫn đang chậm tiến độ.

Cụ thể, tổng kế hoạch vốn cho đầu tư của toàn thành phố Hà Nội đến nay là 52.525 tỷ đồng; trong đó, chi cấp thành phố 31.490 tỷ đồng và chi cấp huyện 21.035 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau gần 9 tháng triển khai, toàn thành phố mới giải ngân được 29,9% kế hoạch vốn giao và ước giải ngân hết 9 tháng đạt khoảng 34% (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 45,64% và thấp dưới mức bình quân chung của cả nước 49,14%).

Ngoài ra, chỉ một số ít đơn vị có kết quả giải ngân khá và còn lại là thấp, dưới mức bình quân chung của thành phố.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chỉ rõ nguyên nhân của việc thực hiện và giải ngân chậm kế hoạch đầu tư công năm 2019 là do các dự án khởi công cuối năm 2018 đã tạm ứng hợp đồng và sang đầu năm 2019, chủ đầu tư cùng với nhà thầu phải thực hiện hoàn trả khối lượng đã ứng.

Đối với các dự án khởi công mới, mất nhiều thời gian thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế nên việc mở thầu và khởi công chậm tiến độ.

Ngoài ra, việc thực hiện dự án còn gặp vướng mắc do nguyên nhân liên quan đến giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư.

Cụ thể, trên toàn địa bàn thành phố còn 21 dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng và 18 dự án vướng mắc thủ tục đầu tư.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu các cơ quan chức năng và các chủ đầu tư cần tập trung, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các công trình trọng điểm, phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 của thành phố ở mức cao nhất.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh cá nhân các lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố được phân công chỉ đạo, điều hành theo từng lĩnh vực cụ thể cần tập trung theo dõi những khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực được phân công của từng dự án để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ và thường xuyên đánh giá tiến độ giải quyết.

Đồng thời, cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành và đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục đầu tư; xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, sách nhiễu, làm chậm tiến độ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cũng nêu ý kiến, không thể đổ lỗi cho vướng mắc trong giải phóng mặt bằng mà trách nhiệm chính dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công của thành phố chậm là do các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chưa làm hết trách nhiệm.

Để khắc phục tình trạng này, Ủy ban Nhân dân thành phố đã và đang yêu cầu các chủ đầu tư hàng tuần giao ban kiểm điểm, kiểm soát tiến độ từng dự án để kịp thời giải quyết theo thẩm quyền; đề xuất nhu cầu điều hòa, điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư từ những dự án không có khả năng giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt.

Ủy ban Nhân dân thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan phổi hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư đảm bảo điều kiện bố trí vốn thực hiện khởi công mới năm 2020 theo quy định; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để tổ chức đấu thầu, khởi công xây dựng đối với 71 công trình thuộc nhóm khởi công mới năm 2019 nhưng chưa khởi công.

Nguyễn Thắng

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.