|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giải ngân đầu tư công: Mục tiêu cuối cùng vẫn phải là hiệu quả

15:15 | 15/09/2019
Chia sẻ
Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ tám tháng đầu năm 2019.

Theo đó, ước thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn từ ngân sách tám tháng là hơn 161.286 tỉ đồng, đạt 37,92% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 41,39% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Kết quả giải ngân này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, đạt 44,24% kế hoạch Quốc hội giao và 45,57% kế hoạch Thủ tướng giao.

Lý do... kinh niên!

Giải ngân đầu tư công: Mục tiêu cuối cùng vẫn phải là hiệu quả - Ảnh 1.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của tphcm giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 850.000 tỉ đồng nhưng khả năng ngân sách thành phố chỉ đáp ứng 20%. Ảnh: Lê Anh

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã tổng kết các lý do gây ra tình trạng chậm giải ngân đầu tư công, gồm: sự chậm giao kế hoạch từ cấp các bộ, ngành, địa phương cho các dự án cụ thể; một số dự án mà các bộ, ngành, địa phương đề xuất chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định, chưa đủ cơ sở pháp lý; tại các cơ quan tổng hợp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác đôn đốc chưa kịp thời, quyết liệt, dẫn tới tình trạng chờ đợi lẫn nhau; do Luật Đầu tư cho phép giải ngân được kéo dài sang năm sau nên dẫn tới tâm lý không tích cực, tập trung trong việc giải ngân; giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; năng lực nhà thầu hạn chế; một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, chưa tích cực trong việc hoàn chỉnh các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện hồ sơ...

Có thể nói, nhiều trong số những lý do gây nên sự chậm trễ trên là những lý do mang tính kinh niên, đã được đưa ra nhiều năm qua và người dân không còn mấy ngạc nhiên nữa.

Ngay cả khi đã liên tục bị nhiều chất vấn cũng như công điện, công văn nhắc nhở, yêu cầu phải "quyết liệt" giải quyết... từ cấp cao đến các bộ, ngành, địa phương thì sự chậm giải ngân đầu tư công vẫn tiếp diễn. Do vậy, chuyện giải ngân đầu tư công chậm là chuyện thời sự kinh niên.

Vốn đầu tư công là nguồn lực rất quan trọng để giải quyết những nhu cầu đặt ra cho phát triển, cả về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, đầu tư công cũng không là điều luôn tốt, cần được đẩy mạnh tối đa và nếu không tích cực đầu tư công thì sẽ gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế.

Không thể vì giải ngân chậm mà dễ dãi với đầu tư công

Đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng giải ngân chậm sẽ làm giảm ý nghĩa tác động của vốn đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế hàng quí.

Với bất kỳ nền kinh tế nào, vốn đầu tư công là nguồn lực rất quan trọng để giải quyết những nhu cầu đặt ra cho phát triển, cả về kinh tế và xã hội. 

Tuy nhiên, đầu tư công cũng không là điều luôn tốt, cần được đẩy mạnh tối đa và nếu không tích cực đầu tư công thì sẽ gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế.

Trên thực tế, tác động của đầu tư công đối với nền kinh tế không nhất thiết diễn ra một chiều như vậy, và cũng không nên nhìn nhận vấn đề một cách ngắn hạn. Đầu tư công trước hết phải tính đến hiệu quả, đặc biệt là khi đầu tư công được tài trợ chủ yếu bằng vay nợ như ở Việt Nam. 

Việc thực hiện đầu tư công chậm trễ, kéo dài cũng có thể biến một dự án từ, được đánh giá là, có hiệu quả cao, trở thành gánh nặng cho cả nền kinh tế. 

Do vậy, vấn đề ở đây không đơn thuần chỉ là nhìn vào con số tổng vốn đầu tư công đã giải ngân được bao nhiêu, mà cần phải soi xét vào tiến độ của từng dự án cụ thể.

Vấn đề tiếp theo là chất lượng của các nghiên cứu trước khi ra quyết định đầu tư. Chắc chắn không ai phủ định việc MobiFone mua AVG không phải là một khoản đầu tư công. 

Và cũng chắc chắn không ai phủ nhận đầu tư vào 12 dự án thua lỗ, “đắp chiếu” của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương không phải là đầu tư công. 

Khoản trái phiếu 700 triệu đô la Chính phủ phát hành cho Vinashin chắc chắn cũng không nằm ngoài khái niệm đầu tư công. Vậy nhưng kết quả của các khoản đầu tư công này như thế nào, giờ nhắc lại chỉ thêm đau xót!

Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi số tiền ngân sách đổ ra sông ra biển trên đa phần là đi vay, từ đủ nguồn trong và ngoài nước, ưu đãi có mà theo giá thị trường cũng có. 

Với kiểu đầu tư công mà không kiểm soát được, gây ra gánh nặng cho nền kinh tế và áp lực trả nợ lên ngân sách quốc gia thì không đầu tư có khi còn tốt hơn!

Rốt cuộc phải làm gì?

Trong rối rắm những lý do gây ra chậm trễ mà đến nay chưa thấy lối thoát, trước tiên phải xét lại năng lực lập kế hoạch và xác định mục tiêu. Ở phía giao tiền, chuyện giải ngân đầu tư công thấp hơn so với kế hoạch và mục tiêu xảy ra hầu như thường xuyên. 

Dù vậy, kế hoạch đầu tư mỗi năm vẫn tăng đều, mục tiêu đặt ra cho năm sau đầu tư phải cao hơn năm trước. Đây là điều cần phải xem lại, vì nếu chạy theo mục tiêu giải ngân để hoàn thành kế hoạch mà bất chấp năng lực hấp thu vốn, thì hậu quả sẽ thật khó lường.

Ngược lại, ở phía tiêu tiền, cũng như đã nói, đầu tư công không phải luôn là tốt, nhất là trong cơ chế hiện không có gì đảm bảo đầu tư công chắc chắn là hiệu quả, thì cần phải thắt chặt, cắt giảm, giới hạn tối đa các dự án. 

Làm được như vậy và kết hợp với sự tiết giảm ở phía giao tiền như nêu trên thì tự khắc tỷ lệ giải ngân đầu tư công sẽ tăng vọt.

Chưa hết, liên quan đến lý do nêu ra rằng giải ngân đầu tư công chậm còn do các bộ, ngành, địa phương không chủ động, quyết liệt, tích cực..., nếu các dự án đầu tư công thực sự là hiệu quả, cho địa phương và cho nền kinh tế, thì lẽ ra các bộ, ngành, địa phương phải chủ động và tích cực thực hiện đầu tư công, vì kết quả đó sẽ trở thành thành tích. 

Ngược lại, nếu các cơ quan và địa phương không “tích cực”, “quyết liệt” với giải ngân đầu tư công thì hoặc là họ đã thấy hiệu quả của dự án có gì đó không ổn, không thấy lợi ích hoặc không có năng lực thực hiện dự án đầu tư công đó. 

Với “đối tượng thụ hưởng” như vậy mà cứ bắt ép phải tiêu tiền thì càng dễ có nguy cơ ném tiền qua cửa sổ. Nên giải pháp tốt nhất là phải “trông mặt trao tiền”! Làm được như vậy thì tự khắc vấn đề đầu tư công trở nên thông suốt.

(1) https://baodautu.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-se-duoc-cai-thien-d106710.html

Ngọc Phan

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.