|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giải ngân vốn đầu tư công cao hơn tốc độ năm 2022, kỳ vọng tăng trưởng năm nay đạt từ 6% trở lên

20:16 | 04/07/2023
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, đến hết ngày 30/6, cả nước đã giải ngân được hơn 215 nghìn tỷ đồng, đạt 30,49% kế hoạch đề ra, cao hơn con số 27,75% của năm ngoái. Đặc biệt, năm nay giá trị giải ngân theo kế hoạch còn cao hơn năm trước.

Phát biểu tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, đến hết ngày 30/6, cả nước đã giải ngân được hơn 215 nghìn tỷ đồng, đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn tốc độ giải ngân cùng kỳ năm 2022 là 27,75%. 

Về số tuyệt đối, số vốn giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng đã cao hơn tới trên 65.163 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Điều này cho thấy sự chuyển biến hết sức tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công. Có được điều này là do Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt từ đầu năm, cùng với đó là sự nỗ lực, cố gắng của bộ, ngành và địa phương trong việc quan tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Phương cho biết.

Toàn cảnh Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7. (Ảnh: Hạ An).

Đánh giá tổng vốn được giao trong kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 khá lớn lên tới 711 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2023 và vốn bổ sung từ chương trình phục hồi phát triển kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.

"Đây là nhiệm vụ khá nặng nề, trong vòng 6 tháng cuối năm đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, tiếp tục nỗ lực để đáp ứng mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% số vốn đầu tư công", ông Phương nói.

Theo Thứ trưởng, từ năm 2021 cho đến nay, hầu hết tiến độ giải ngân đạt hoặc trên kế hoạch được giao. Đây là cơ sở đặt niềm tin từ nay đến cuối năm giải ngân được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.

"Một trong những thuận lợi để giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm là rất nhiều dự án lớn, trọng điểm về giao thông đã được khởi công. Bắt đầu khởi công dự án thì số tiền được giải ngân giai đoạn đầu là lớn, chủ yếu để tập trung giải phóng mặt bằng. Số tiền giải ngân này không phụ thuộc vào tiến độ thi công", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nói.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội cũng đã quyết nghị một số chính sách tháo gỡ cho đầu tư công như cho phép giao kế hoạch đầu tư trung hạn và dự án thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho các dự án được triển khai.

Bên cạnh đó, Quốc hội cho phép điều hòa linh hoạt giữa nguồn vốn của chương trình phục hồi với dự án thuộc đầu tư công trung hạn. Để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 43, khoản vốn đầu tư công của chương trình phục hồi phấn đấu giải ngân hết trong năm 2023.

Phấn đấu tăng trưởng GDP từ 6% trở lên

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương. (Ảnh: VGP).

Với kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin, Bộ KH&ĐT đã trình hai kịch bản dựa trên kết quả đạt được 6 tháng đầu năm cũng như dự đoán bối cảnh tình hình trong 6 tháng cuối năm.

"Mục tiêu mà chúng ta phải đạt được là 6,5% là nhiệm vụ hết sức nặng nề", Thứ trưởng Phương nhìn nhận. Để đạt mục tiêu này thì tăng trưởng quý III phải là 7,4%, quý 4 là 10,5%.

Với kịch bản tăng trưởng thấp hơn kế hoạch, tăng trưởng kinh tế cả năm là là 6%, trong đó quý III phải đạt 6,8%, quý VI là 9%. 

"Đây là con số thách thức. Mặc dù quý III năm 2022, chúng ta tăng trưởng trên 10%, nhưng năm nay khó khăn hơn", Thứ trưởng Phương nói.

Trên quan điểm điều hành của Thủ tướng, Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã đề xuất các nhóm chính sách giải pháp.

Đồng thời, trên cơ sở kết quả của 27 đoàn công tác của thành viên Chính phủ khi làm việc với địa phương trong thời gian vừa qua, thì Bộ KH&ĐT đã dự thảo Nghị quyết chuyên đề đặc biệt cho 6 tháng cuối năm. Nghị quyết này tập trung nhiều giải pháp để phấn đấu mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng đánh giá.

Hạ An

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.