|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giải mã sức hút của cổ phiếu nông nghiệp

18:59 | 10/09/2020
Chia sẻ
Cổ phiếu nông nghiệp đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong những phiên gần đây như bộ đôi HAG và HNG cùng nhóm doanh nghiệp gạo, giống cây trồng như TAR, LTG, NSC, AGM, PAN.

Nhóm cổ phiếu nông nghiệp tăng mạnh nhờ kì vọng của nhà đầu tư về nhu cầu lương thực tăng cao đặc biệt là với quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc.

Đại dịch COVID-19 cùng với lũ lụt đang đe doạ tới nguồn cung lương thực của Trung Quốc và báo động một cuộc khủng hoảng lương thực.

Theo tờ The Economic Times, giá thực phẩm tăng cao thúc đẩy quốc gia 1,4 tỉ dân nhập khẩu lượng thịt kỉ lục và lượng lúa mì cao nhất 7 năm qua vào tháng 6/2020.

Vấn đề lương thực đã trở thành tâm điểm khi giữa tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh về tình trạng khủng hoảng về an ninh lương thực, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Do đó, không quá khó hiểu khi cổ phiếu các doanh nghiệp ngành nông nghiệp như HAG, HNG, TAR, LTG, NSC, AGM,… được chú ý hơn cả do đều là những công ty có hoạt động xuất khẩu mạnh, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc.

Giải mã sức hút dòng tiền của cổ phiếu nông nghiệp - Ảnh 1.

Tăng trưởng giá nhóm cổ phiếu nông nghiệp một tháng qua. Nguồn: VNDirect

Trái cây của "bầu" Đức xuất khẩu chính sang Trung Quốc

Theo kế hoạch, mảng kinh doanh cây ăn trái đặc biệt là chuối vẫn đem lại nguồn thu chủ lực cho CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) năm 2020.

Trong đó, chuối có thể đem về 3.708 tỉ đồng doanh thu, đóng góp 86% trong cơ cấu. Doanh thu mít ước đạt 239 tỉ đồng, chiếm 5,55% tổng doanh thu. Doanh thu thanh long khoảng 215 tỉ đồng và chiếm 4,99% trong tổng doanh thu. 

Giải mã lực hút dòng tiền của cổ phiếu nông nghiệp - Ảnh 1.

Nguồn: HK tổng hợp từ số liệu báo cáo tài chính HNG.

Hiện chuối tươi đang là sản phẩm chủ lực mang lại nguồn thu lớn nhất cho HNG và dự kiến chiếm tới 82% doanh thu năm 2020. Sản phẩm chuối tươi của HNG đã có mặt tại hầu hết các chuỗi siêu thị lớn của Trung Quốc.

Tại ĐHĐCĐ 2020, Tổng giám đốc Võ Trường Sơn cho biết hiện nay chiến lược của HNG là tập trung vào cây chuối, và cây xoài.

Riêng thị trường Trung Quốc đang tiêu thụ 17.000 tấn chuối/năm, trong đó khoảng tháng 10 và sang quí IV giá dự kiến tốt.

Ông Đỗ Xuân Diện, Phó Chủ tịch HAGL Agrico cho biết so với nhu cầu hiện nay thì sản lượng cung cấp chưa lớn và công ty cũng đang cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm từ Philippines. Nhưng công ty đang có lợi thế so với các đối thủ chính là chi phí logistics thấp hơn.

Bên cạnh chuối thì mít và thanh long dự kiến cùng đóng góp khoảng 5% vào cơ cấu doanh thu năm 2020.

Lãnh đạo HNG cũng cho biết quí III và IV thị trường Trung Quốc có khí hậu ấm lên, giá sẽ tăng lên bên cạnh sản lượng sản xuất thời điểm này cũng sẽ tăng cao. Quí III, IV cũng là điểm rơi lợi nhuận trong năm của HNG.

Doanh nghiệp gạo bứt phá nhờ giá gạo lập đỉnh 9 năm

Giá gạo xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011. 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo giảm 1,7% về khối lượng nhưng lại tăng tới 10,4% về giá trị.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020, theo đó nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam được kì vọng sẽ hưởng lợi.

Sau chưa gần 1 tháng kể từ ngày EVFTA có hiệu lực, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã: TAR), doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo tại Cần Thơ đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên với thuế suất 0% và giá tốt hơn nhiều so với trước đây.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết đơn vị này đã kí hợp đồng bán gạo với 3 khách hàng của Cộng hòa Liên bang Đức với tổng khối lượng lên đến 3.000 tấn.

"Trước đây một tấn gạo Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu với giá 800 USD cộng với các chi phí và thuế nhập khẩu thì các nhà phân phối phải bán thấp nhất 1.300 USD mới có lợi nhuận, điều này giảm đi đáng kể sức cạnh tranh của gạo Việt.

Do đó, khi thuế suất giảm về 0%, giá bán lẻ của gạo Việt sẽ giảm tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh của gạo Việt tại thị trường châu Âu với các quốc gia xuất khẩu gạo khác", ông Bình chia sẻ.

Giải mã lực hút dòng tiền của cổ phiếu nông nghiệp - Ảnh 2.

Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính của TAR.

Bên cạnh xuất khẩu, thương hiệu gạo Trung An hiện được phân phối cho hệ thống siêu thị Vinmart khắp cả nước.

6 tháng đầu năm, TAR ghi nhận 1.560 tỉ đồng doanh thu, tăng gấp 1,9 lần so với cùng kì năm 2019. Lãi sau thuế đột biến gấp 5,3 lần lên hơn 67 tỉ đồng. 

Hiện cổ phiếu TAR là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm nông nghiệp khi tăng gấp rưỡi chỉ trong vòng hơn 1 tháng lên 22.100 đồng/cp phiên 9/9. 

Với CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG), cổ phiếu LTG của doanh nghiệp tiên phong xây dựng chuỗi giá trị ngành lúa gạo, từ phân phối giống, vật tư nông nghiệp tới canh tác và chế biến gạo đã liên tục sụt giảm kể từ khi công ty công bố kết quả kinh doanh sụt giảm từ năm 2018. 

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động của công ty tiếp tục gặp khó khi doanh thu từ thuốc bảo vệ thực vật (chiếm gần 60% tỉ trọng) chỉ đạt 1.347 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kì năm ngoái; doanh thu từ mặt hàng lương thực - gạo chiếm 19% tỉ trọng cũng ghi nhận mức giảm đến 60% xuống 436 tỉ đồng; lợi nhuận của công ty tiếp tục giảm 54% so với cùng kì năm trước. 

Dù mảng gạo chỉ góp 19% vào tổng doanh thu nửa đầu năm nhưng năm 2019 công ty dẫn đầu thị trường gạo thương hiệu với 5,7% thị phần. 

Cuối năm 2019, LTG đã tái cơ cấu mảng gạo khi ngừng bán gạo không thương hiệu để giảm gánh nặng tồn kho. Năm 2020, doanh nghiệp định hướng tập trung vào phân khúc gạo với giá bán cao tại thị trường nội địa.

Giải mã lực hút dòng tiền của cổ phiếu nông nghiệp - Ảnh 3.

Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính của TAR.

Chứng khoán VDSC nhận định tình hình kinh doanh của LTG sẽ khả quan hơn của nửa cuối năm. Nhờ kiểm soát tốt chi phí, doanh thu và lãi trước thuế năm 2020 được dự báo chỉ giảm lần lượt 26% còn 6.159 tỉ đồng và 8% về 426 tỉ đồng.

Không nằm ngoài sóng tăng của doanh nghiệp gạo thì cổ phiếu AGM của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang cũng tăng 3 phiên liên tiếp, thậm chí tăng trần với thanh khoản đột biến phiên 7/9. 

Dịch vụ thương mại, xuất khẩu gạo chiếm 66% cơ cấu doanh thu năm 2019 của AGM. Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận AGM giảm hơn 40% so với nửa đầu năm 2019. Dù vậy, cổ phiếu AGM vẫn tăng theo trước những cơ hội mà EVFTA mang lại.

Giải mã lực hút dòng tiền của cổ phiếu nông nghiệp - Ảnh 4.

Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính của AGM.

Hoàng Kiều