|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thời kì bùng nổ đầu tư bất động sản toàn cầu của người Hàn, Việt Nam đứng top đầu

19:39 | 03/10/2019
Chia sẻ
Trong khi Trung Quốc đang tháo chạy khỏi thị trường nhà đất toàn cầu thì Hàn Quốc lại đang gia tăng mua và nhận chuyển nhượng nhiều bất động sản trên thế giới. Và Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu trong đích đến đầu tư địa ốc của người Hàn.

Trung Quốc thoái lui, Hàn Quốc đua nhau gom bất động sản toàn cầu

Bloomberg ngày 2/10 dẫn số liệu từ CBRE cho hay, tính từ đầu năm nay tới tháng 8 vừa qua, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã chi gần 6,8 tỉ USD cho bất động sản thương mại quốc tế, gấp hơn bốn lần số tiền mà các công ty Trung Quốc đã chi.

Thống kê trên chưa bao gồm hợp đồng 5,8 tỉ USD của Mirae Asset Management Co. - một công ty thuộc tập đoàn tài chính hàng đầu Hàn Quốc - ký hồi tháng 9 để mua lại một số khách sạn hạng sang ở Mỹ từ Tập đoàn Bảo hiểm Anbang của Trung Quốc.

Theo Bloomberg, các con số trên cho thấy rõ xu hướng thoái vốn của Trung Quốc khỏi thị trường bất động sản toàn cầu, và Hàn Quốc – nước láng giềng nhỏ hơn – đang trở thành nước thế chân, lấp đầy khoảng trống khi các nhà đầu tư Trung Quốc rút lui.

kore2

Biểu đồ dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, Hong Kong và Hàn Quốc vào thị trường bất động sản thế giới từ năm 2013 đến 8 tháng đầu năm 2019 cho thấy dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc năm 2018 và 2019 sụt giảm rất mạnh. Ảnh nguồn: Bloomberg.

Theo thông tin từ Financial Times phát đi hồi tháng 7 vừa qua, tăng trưởng sụt giảm và chiến tranh thương mại leo thang đã buộc chính phủ Trung Quốc hạn chế dòng vốn chảy tới các thị trường bất động sản nước ngoài.

Điều này đã dẫn đến việc hàng loạt công ty Trung Quốc đồng loạt rao bán nhiều tòa nhà văn phòng và khu căn hộ tại các thành phố lớn, từ London (Anh) đến Sydny (Australia) và Vancouver (Canada).

Trong khi đó, ngành quản lí tài sản tại Hàn Quốc đã tăng trưởng hơn gấp đôi trong 5 năm qua khi chính phủ khuyến khích người dân tiết kiệm nhiều hơn cho quĩ hưu trí của mình. Trong khi đó, nhu cầu đa dạng hóa đầu tư, ngoài cổ phiếu và trái phiếu, đã dẫn đến sự bùng nổ trong việc người dân và doanh nghiệp xứ kim chi mua bất động sản ở nhiều nước trên thế giới, kéo dài từ San Francisco đến Sydney.

Ông Jang Dong-hun, nhân viên quản lí đầu tư của tổ chức Public Officials Benefit Association có trụ sở tại Seoul – một tổ chức đang quản lí khoảng 11 tỉ USD, cho biết, với sự già hóa dân số và lãi suất thấp, cộng với tâm lí không muốn đổ tiền vào những tài sản rủi ro cao như cổ phiếu và trái phiếu khiến nhu cầu đối với bất động sản của người dân và các nhà đầu tư Hàn Quốc đang tăng lên.

"Tuy nhiên, thị trường trong nước không có nhiều lựa chọn đã đẩy các nhà đầu tư chuyển hướng ra nước ngoài", ông Jang nói.

Blooberg cũng dẫn lời của chuyên gia Tris Larder từ Savills cho biết, các công ty Hàn Quốc đang ồ ạt mua nhiều tòa nhà văn phòng lớn ở Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ), đồng thời đang thương lượng để mua một khu tổ hợp lớn gần sân bay Frankfurt (Đức). Sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư Hàn Quốc đang đẩy giá bất động sản tăng cao.

Hồi tháng 9 vừa qua, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã mua cổ phần chi phối trụ sở chính của AT&T tại Dallas, Mỹ.

Hồi tháng 6, NH Investment & Securities và Mirae Asset Daewoo – hai trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đã hợp tác với AIP Asset Management và Valesco để mua lại tòa nhà Twin City Tower ở Bratislava, Slovakia với giá 122 triệu euro (tương đương 134 triệu USD). Hiện tòa nhà này đang được cho Amazon thuê lại.

Bloomberg cũng cho biết, một số thị trường bất động sản có tính rủi ro cao hơn như Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech cũng đang được các nhà đầu tư Hàn Quốc đổ tiền vào.

Thị trường bất động sản Việt Nam đứng top đầu trong đích đến của người Hàn

Tờ Korea Times ngày 29/9 dẫn báo cáo Korea Wealth Report 2019 của Viện Nghiên cứu Tập đoàn tài chính KB, khảo sát trên 400 người giàu Hàn Quốc có tài sản trên 1 tỉ won, tức trên 831.000 USD cho thấy, trong số những người có tài sản dưới 5 tỉ won, chiếm 60% người tham gia khảo sát, có đến 59% hứng thú với việc đầu tư vào đất và các tòa nhà ở nước ngoài. Đối với nhóm có tài sản trên 5 tỉ won, tỉ lệ này là 53,9%.

Thị trường bất động sản nước ngoài được quan tâm nhất là Việt Nam khi có đến 57,6% người tham gia thuộc nhóm có tài sản từ 1 tỉ won tới dưới 5 tỉ won và 56,4% người tham gia thuộc nhóm tài sản trên 5 tỉ won cho biết muốn đầu tư vào Việt Nam.

korea times

Các thị trường đầu tư ưa thích của giới nhà giàu Hàn Quốc. Nguồn: Báo cáo của Viện Nghiên cứu Tập đoàn tài chính KB, Korea Times ngày 29/9/2019 dẫn nguồn.

Theo sau Việt Nam lần lượt là Singapore, Trung Quốc, Malaysia, châu Âu, Mỹ, Hong Kong và Nhật Bản.

Korea Times cũng cho biết, tính đến cuối năm 2018, số người có tài sản trên 1 tỉ won tại Hàn Quốc là 323.000 người, tăng 4,4% so với năm ngoái.

Còn theo báo cáo mới nhất từ Savills Việt Nam phát đi hôm nay (ngày 3/10) dẫn số liệu từ tờ The Chosun Ilbo - một tờ báo lớn ở Hàn Quốc cho biết, tính trong năm 2018, nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp Hàn Quốc đã chi tới 440,1 triệu USD cho các bất động sản ở nước ngoài, tăng 47% so với năm 2017 và tăng 3,8 lần so với 5 năm trước.

Mỹ vẫn là điểm đầu tư bất động sản phổ biến nhất với các nhà đầu tư Hàn Quốc với 255,2 triệu USD. Đứng ở vị trí thứ hai là Việt Nam với 56,1 triệu USD.

lotte

Tòa nhà Lotte ở Đào Tấn (Hà Nội) do Tập đoàn Lotte - Hàn Quốc làm chủ đầu tư. Ảnh: Báo Đầu tư.

Theo ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở tại TP HCM thuộc Savills TP HCM, sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam được giải thích bởi một số yếu tố như giá bán hấp dẫn, tiềm năng lợi nhuận cao, sản phẩm chất lượng cao do sự tham gia của các nhà phát triển có uy tín và Luật Nhà ở đã nới lỏng tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Giá căn hộ tại TP HCM và Hà Nội nhìn chung vẫn thấp hơn so với các các thành phố trung tâm trong khu vực như Kuala Lumpur và Bangkok, mặc dù tốc độ tăng trưởng mạnh hơn nhiều. Giá nhà mới tại khu trung tâm TP HCM hiện tại trung bình khoảng từ 5.500 đến 6.500 USD/m2, chỉ bằng một phần của mức giá nhà tại Hong Kong.

Mức thuế bất động sản tương đối thấp ở Việt Nam dường như ngày càng hấp dẫn người mua cả trong và ngoài nước. "Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhu cầu về đầu tư bất động sản tại Việt Nam đã tăng đáng kể kể từ năm 2015, khi luật nhà ở mới mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư quốc tế", ông Duy nói. 

Khánh Hà