|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng dầu tuần tới: Vụ tấn công tàu chở dầu Iran và đàm phán Mỹ - Trung mở rộng triển vọng giá dầu

22:55 | 13/10/2019
Chia sẻ
Kết thúc tuần giao dịch, giá dầu thô tăng trong bối cảnh lo ngại sự gián đoạn sản xuất dầu thô sau vụ tấn công tàu chở dầu của Iran ở Biển Đỏ vào thứ Sáu (11/10) cũng như triển vọng cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
LYNXMPEA7J05G_L

Nguồn: Reuters

Kết thúc tuần giao dịch với nhiều biến động, giá dầu thô WTI giao tháng 11 tăng 3,6% và giá dầu Brent giao tháng 12 giảm 5,72%, theo Xinhua.

Hai vụ nổ xảy ra sáng 11/10 tấn công một tàu chở dầu của Iran ở Biển Đỏ, cách cảng Jeddah của Arab Saudi 60 dặm. Vụ nổ, có thể do tấn công bằng tên lửa, dẫn đến thân tàu bị thiệt hại nghiêm trọng và rò rỉ dầu ra biển.

Giá dầu tăng hơn 2% hôm 11/10 và giá dầu Brent tăng lên 60 USD/thùng khi các nhà đầu tư lo ngại cuộc tấn công có thể gây ra rủi ro khác cho vùng vịnh Trung Đông.

Chốt phiên giao dịch tuần này, giá WTI trên Sàn New York ở mức 54,7 USD/thùng trong khi giá dầu Brent trên Sàn ICE đạt 60,51 USD/thùng.

Giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt 20,46% và 12,47%, giảm từ mức cao nhất trong tháng 4 khi mức tăng của dầu WTI đạt hơn 40% và dầu Brent đạt 30%.

Trong phiên giao dịch từ ngày 7/10 đến 9/10, giá dầu đã chịu tổn thất lớn, gần với mức thấp nhất hai tháng do sự bi quan vẫn tồn tại trong triển vọng kinh tế toàn cầu và lượng dầu thô tồn kho của Mỹ tăng cao hơn dự kiến.

Trong tuần kết thúc vào ngày 4/10, khối lượng dầu thô của Mỹ tăng 2,927 triệu thùng so với tuần trước, nhiều hơn mức tăng trưởng dự kiến là 1,413 triệu thùng, phản ánh nhu cầu suy yếu và giá dầu thô giảm.

Tuy nhiên, mức tăng trong hai phiên tiếp theo, chủ yếu là do việc OPEC cắt giảm sản lượng và cuộc tấn công nhắm vào Iran, đã hồi phục được khoản lỗ trước đó.

Trong khi đó, vòng đàm phán mới nhất của Trung Quốc và Mỹ củng cố thêm hi vọng giá dầu sẽ tăng trong dài hạn.

Giá dầu tiếp tục tăng kể từ đầu năm do một số lo ngại về chính trị và quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC. Sản xuất chậm lại, chủ yếu là do những lo ngại về nhu cầu dầu thô giảm.

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trì trệ tiếp tục là một thách thức lớn đối với dầu thô, chủ yếu là do tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, dẫn đến nhu cầu dầu suy yếu, từ đó gây áp lực lên giá.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu, lưu ý rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng ít nhất trong năm nay kể từ năm 2016, chỉ tăng 1 triệu thùng/ngày, trong khi sản xuất dầu thô của các nhà máy lọc dầu trên toàn thế giới ở mức thấp nhất trong một thập kỉ, chỉ 150.000 thùng/ngày.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và sản lượng dầu của Mỹ gia tăng là mối quan tâm lớn nhất góp phần vào nỗi lo về tình trạng dư cung toàn cầu.

Theo IEA, mặc dù tăng trưởng nhu cầu sẽ tăng tốc trong năm tới lên 1,2 triệu thùng/ngày, sự gia tăng hơn nữa trong sản xuất từ Mỹ và các quốc gia khác có thể làm cho nguồn cung ngày càng thặng dư.

Trong khi các cuộc tấn công ở Arab Saudi khiến sản lượng của OPEC giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, báo cáo của IEA chỉ ra rằng quốc gia này đã sản xuất 28,83 triệu thùng/ngày trong tháng trước, trong khi nhu cầu ước tính chỉ cần 28,2 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm tới.

Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu Brent giao ngay trung bình ở mức 59 USD/thùng trong quý IV, sau đó giảm xuống còn 57 USD/thùng vào quý II năm 2020, giảm 5 USD/thùng từ dự báo trước đó vào tháng 9.

Hơn nữa, giá dầu giao sau giảm xuống do Chỉ số đồng USD giữ xu hướng tăng kể từ giữa năm 2018 mặc dù tuần giao dịch kết thúc ngày 11/10 con số này ở mức thấp 98,3.

Tuần tới, các chuyên gia phân tích dự báo Chỉ số đồng USD sẽ vượt qua ngưỡng 98. Dầu thô chủ yếu được giao dịch bằng đồng USD trên toàn thế giới, khi đồng USD mạnh hơn sẽ gây áp lực cho nhu cầu dầu.

Trong tuần tới, thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình Trung Đông và sự phát triển của các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Các chuyên gia phân tích cho rằng vụ nổ tàu chở dầu của Iran có thể gây ra mối lo ngại mới về xung đột tiềm tàng ở vùng Trung Đông sau các cuộc tấn công vào tàu và máy bay không người lái hồi đầu năm và cuộc tấn công vào cơ sở sản xuất năng lượng của Arab Saudi vào tháng trước.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia tin rằng căng thẳng thương mại giảm bớt sau vòng đàm phán kinh tế và thương mại cấp cao mới nhất giữa Trung Quốc - Mỹ sẽ hỗ trợ cho giá dầu.

Trung Quốc và Mỹ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực sau khi tổ chức một vòng đàm phán vào ngày 9 và 10/10 tại Washington.

Hai bên đạt được tiến bộ trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tỉ giá hối đoái, dịch vụ tài chính, mở rộng hợp tác thương mại, chuyển giao công nghệ và giải quyết tranh chấp.

Hai bên cũng thảo luận về sự sắp xếp cho các cuộc tham vấn trong tương lai và đồng ý thực hiện các nỗ lực chung để đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Linh Giang