Giá xăng dầu tuần tới: Thị trường dầu mỏ trông chờ vào quyết định cắt giảm sản lượng bổ sung của OPEC
Hôm thứ Sáu (7/2), giá dầu Brent giảm 46 cent, tương đương 0,9%, xuống 54,47 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 63 cent, tương đương 1,2%, xuống 50,32 đô la, theo Investing.com.
Kết thúc giao dịch tuần này, giá dầu Brent và WTI giảm lần lượt 6,3% và 2,4%.
Kết thúc tháng 1, giá dầu thô đánh dấu tháng giảm mạnh nhất trong hơn một năm do toàn bộ các ngành công nghiệp từ sản xuất ô tô đến du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do sự bùng phát virus.
Việc cắt giảm sản lượng dầu có thực sự cần thiết hay không vẫn còn gây tranh cãi vì không ai biết cuộc khủng hoảng virus corona tại Trung Quốc còn kéo dài bao lâu và tác động tồi tệ tới mức nào.
Đề xuất của OPEC về việc nâng hạn mức giảm sản lượng thêm 600.000 thùng/ngày sẽ là biện pháp để xoa dịu thị trường khi nhu cầu dầu của Trung Quốc đã giảm 3 triệu thùng/ngày chỉ trong vòng 3 tuần, theo ước tính của Bloomberg.
Theo lời của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, nước này cần thêm thời gian để quyết định có nên tham gia cắt giảm sản lượng bổ sung do OPEC đề xuất hay không vì tin rằng tăng trưởng sản xuất dầu thô của Mỹ có thể chậm lại trong khi nhu cầu toàn cầu vẫn vững chắc.
Tuy nhiên, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng dầu nước này ngày càng cao hơn qua các năm. Sản lượng kỉ lục hiện tại của Mỹ là 13 triệu thùng/ngày và có thể đạt ngưỡng 15 - 16 triệu thùng/ngày trong những năm tới.
Nhiều ý kiến sẽ đồng ý rằng triển vọng dầu đá phiến rất hứa hẹn. Tuy nhiên, nhiều người sẽ không đồng tình với luận điểm của ông Novak rằng nhu cầu dầu thô sẽ vẫn ổn định khi thực tế lượng tiêu thụ dầu thô tại các nhà máy lọc dầu giảm rõ rệt do hoạt động hàng không bị hạn chế do tác động của dịch virus corona.
Sự thiếu quyết đoán của Nga diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Putin và Quốc vương Arab Saudi Salman bin Abdulaziz thảo luận về thị trường năng lượng toàn cầu vào tối thứ Hai (3/2) và cả hai nhà lãnh đạo khẳng định sẵn sàng hợp tác trong khối OPEC +.
Tuy nhiên bất cứ ai theo dõi thị trường dầu đủ lâu sẽ biết rằng trước khi Arab Saudi chính thức lãnh đạo tổ chức OPEC gồm 13 thành viên thì Nga là một đồng minh đã phát triển vô cùng mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Kể từ những cuộc đàm phán đầu tiên về việc cắt giảm sản lượng vào năm 2016, Arab Saudi đã ngày càng phụ thuộc vào Nga bất chấp việc Saudi phải đảm đương một khối lượng cắt giảm lớn trong khi Nga hầu như không thực hiện đúng các cam kết của mình.
Lần đầu tiên, cuộc họp OPEC trong tuần này được kéo dài sang đến ngày thứ ba bởi sự do dự của Nga trước kế hoạch giảm cung.
Tuy nhiên, nhiều người trông đợi vào quyết định độc lập của Hoàng tử Abdulaziz trên cương vị lãnh đạo OPEC và lời hứa sẽ hành động cứng rắn đối với các thành viên sản xuất quá mức và giữ cân bằng thị trường.