Giá xăng dầu tuần tới: Thị trường dầu dự kiến tiếp tục chao đảo trong tuần tới
Nguồn: Reuters
Sự biến động lớn nhất diễn ra trong phiên giao dịch thứ Ba (13/8) và thứ Tư (14/8) khi giá dầu ở Mỹ tăng 4% vì sự trì hoãn áp đặt thuế quan của Mỹ đối với hàng hoá Trung Quốc và giảm 3% trong phiên tiếp theo vì lo ngại suy thoái kinh tế và dự trữ dầu thô tăng vọt.
Chỉ số biến động dầu CBOE vào ngày 14/8 tăng 8%, đánh dấu mức biến động lớn nhất kể từ ngày 1/8, theo Investing.com.
Hôm 16/8, OPEC đã đưa ra một báo cáo thiệt hại về nhu cầu dầu trong năm nay và năm tới.
Tuy nhiên giá dầu vẫn ghi nhận mức tăng hàng tuần, sau khi thị trường chứng khoán phục hồi vì sự cải thiện của lợi suất trái phiếu Mỹ làm giảm một số biến động trên thị trường dầu.
Hôm 15/8, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết sẽ thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết đối với thuế quan mới nhất của Mỹ áp lên 300 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Chính quyền ông Trump đã bất ngờ áp thuế quan, vi phạm sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo hai nước nhằm giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán.
Tuy nhiên, trong vòng 24 giờ, chính quyền Bắc Kinh bày tỏ hi vọng sẽ có thể ngồi vào bàn đàm phán với Washington về tranh chấp thương mại.
Để chắc chắn, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/8 đã lùi một phần kế hoạch áp thuế vào ngày 1/9 trước đó, hoãn đến tháng 12 đối với một số mặt hàng Trung Quốc sản xuất như điện thoại di động, máy tính xách tay và các mặt hàng tiêu dùng khác với hi vọng giảm bớt tác động trong mùa mua sắm ở Mỹ.
Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường về năng lượng tại Price Futures Group ở Chicago, cho biết: "Thị trường dầu đang giao dịch trong trạng thái mất cân bằng. Dữ liệu chính thức cho thấy nhu cầu dầu chậm lại nhưng những con số thực tế cho thấy việc chậm lại có thể được cường điệu hóa".
Giá dầu thô WTI trên Sàn giao dịch New York tăng 0,7% lên 54,87 USD/thùng trong tuần này.
Giá dầu thô Brent giao dịch tại London chỉ tăng 0,2% trong tuần. Hợp đồng dầu ngoài thị trường Mỹ vẫn dưới 60 USD/thùng, ghi nhận ở 58,64 USD/thùng.
Thị trường dầu mỏ chật vật với một trong những giai đoạn biến động tồi tệ nhất khi liên tục đối mặt với các mối đe dọa chiến tranh thương mại, dữ liệu kinh tế ảm đạm và lợi suất trái phiếu của Mỹ đảo ngược báo hiệu suy thoái.
TD Securities cho rằng sự hỗ trợ từ phía tài sản rủi ro đã giúp giảm bớt một số áp lực lên giá dầu thô vào thứ Sáu (16/8) sau một tuần hỗn loạn.
OPEC cho biết năm 2020 có thể sẽ chứng kiến thặng dư nguồn cung khi các đối thủ tiếp tục tăng sản lượng.
OPEC cũng giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2019 thêm 40.000 thùng do áp lực dự kiến từ suy thoái kinh tế toàn cầu.