|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng dầu tuần tới: Số ca nhiễm COVID-19 tăng kỉ lục có thể kìm hãm đà tăng của giá dầu

21:56 | 08/11/2020
Chia sẻ
Theo thống kê của Reuters, số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ đã tăng hơn 120.000 ca vào ngày 5/11 - mức tăng kỉ lục hàng ngày thứ hai liên tiếp trong khi Pháp cũng tiếp tục ghi nhận kỉ lục 60.486 ca nhiễm mới vào ngày 6/11. Điều này đang gây áp lực lớn lên nhu cầu dầu thô thế giới.
Giá xăng dầu tuần tới: Số ca nhiễm COVID-19 tăng kỉ lục có thể kìm hãm đà tăng của giá dầu - Ảnh 1.

Giá xăng dầu tuần tới: Số ca nhiễm COVID-19 tăng kỉ lục có thể kìm hãm đà tăng của giá dầu (Ảnh: CNBC)

Kết thúc phiên giao dịch tuần này, giá dầu thô WTI giảm 1,65 USD, tương đương 4,25% xuống 37,14 USD/thùng; dầu Brent giảm 1,48 USD, tương đương 3,62%, ở mức 39,45 USD/thùng.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu thô WTI tăng 4,3% và giá dầu Brent tăng 5,8%.

Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa, ông Mitch McConnell cho biết vào ngày 6/11 rằng các số liệu thống kê kinh tế bao gồm tỉ lệ thất nghiệp ở nước này giảm 1 điểm phần trăm cho thấy Quốc hội nên ban hành gói kích thích kinh tế nhỏ hơn và tập trung vào những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Nhu cầu dầu thô bị hạn chế do lệnh phong tỏa tại nhiều quốc gia

Ông Bob Yawger, Giám đốc hợp đồng năng lượng tại tập đoàn Mizuho cho biết: "Đại dịch COVID-19 diễn biến xấu hơn sẽ tác động tiêu cực tới nhu cầu dầu thô".

Theo thống kê của Reuters, số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ đã tăng hơn 120.000 ca vào ngày 5/11 - mức tăng kỉ lục hàng ngày thứ hai liên tiếp khi dịch bùng phát trở lại.

Italy cũng đã ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày cao nhất vào ngày 5/11. Pháp tiếp tục ghi nhận kỉ lục 60.486 ca nhiễm mới vào ngày 6/11, sau khi vừa công bố kỉ lục 58.046 vào ngày 5/11, theo dữ liệu của Bộ Y tế nước này.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga (OPEC+), có thể trì hoãn việc đưa nguồn cung trở lại 2 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2021, do nhu cầu dầu thô yếu hơn sau các đợt phong tỏa mới.

Dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 8 triệu thùng trong khi các nhà phân tích kì vọng tăng.

Theo Reuters, mức tiêu thụ nhiên liệu máy bay phản lực toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ngành hàng không phục hồi không đồng đều; lượng hàng hóa đã tăng trở lại nhưng các chuyến bay xuyên biên giới vẫn bị chặn bởi các hạn chế kiểm dịch ở nhiều nước.

Tại Mỹ, sản lượng nhiên liệu máy bay thương mại trong 4 tuần tính đến ngày 30/10 chỉ đạt trung bình 0,7 triệu thùng/ngày so với 1,6 triệu thùng/ngày trong cùng kì năm trước, giảm tương đương 54%.

Trên toàn cầu, việc sử dụng nhiên liệu máy bay phản lực có thể đã giảm từ 2 triệu đến 3 triệu thùng/ngày so với năm ngoái, và việc nhu cầu hàng không yếu đã khiến tiêu thụ nhiên liệu trở nên khó khăn, gây áp lực lên thị trường dầu mỏ.

Sự sụt giảm sâu và kéo dài này là nguyên nhân chính khiến tiêu thụ xăng dầu phục hồi chậm hơn so với dự đoán của OPEC+ vào đầu năm nay.

Bên cạnh đó, ứng cử viên đảng Dân chủ, ông Joe Biden đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Các nhà phân tích đã dự đoán một số thay đổi có thể xảy ra trong chính sách năng lượng của Mỹ dưới thời chính quyền của ông.

Ông Biden đã thể hiện sự quan tâm đến ngoại giao đa phương tương tự như các chính quyền Dân chủ trước đây. Điều này có nghĩa là các thành viên OPEC là Iran và Venezuela có thể thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Washington, nếu các điều kiện thích hợp được đáp ứng.

Các biện pháp trừng phạt đơn phương của Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump đối với hai nước này khiến thị trường dầu mỏ quốc tế mất đi 3 triệu thùng/ngày, chiếm hơn 3% nguồn cung thế giới.


Ngọc Ánh