Giá vàng sẽ thủng mốc 1.000USD/oz trong năm 2017?
Ivan Martchev là một chuyên gia đầu tư từ tổ chức quản lý tiền Navellier và Associates. Ông là người từng dự báo chính xác nhiều xu hướng chi phối thị trường trong năm tới.
Tháng 12/2013, ông viết bài “2014: Năm của đồng USD”, và 2014 thực sự là năm của bạc xanh. Chỉ số ICE Dollar đo tỷ giá của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ tăng tốc từ giữa năm, tăng từ dưới 80 điểm lên 100 điểm chỉ trong 9 tháng. Tính đến tháng 3/2015, đồng USD vươn lên mấp mé mức ngang giá với euro.
Tháng 1/2015, ông viết bài “2015 có thể là năm Trung Quốc gặp khó”, và thực tế cho thấy đây đúng là năm nhiều phiền toái cho Bắc Kinh. Mặc dù không chỉ đích danh cơn hoảng loạn trên sàn chứng khoán, ông nêu lên vấn đề bong bóng tín dụng nguy hiểm hơn mà Trung Quốc đang phải đối mặt.
Tổng tín dụng trong cả nền kinh tế tăng hơn 40 lần kể từ năm 2000, tăng từ 100% GDP lên 400%. Bong bóng đang bắt đầu xì hơi, đẩy thị trường chứng khoán và bất động sản loạng quạng, châm ngòi cho dòng tháo vốn khỏi Trung Quốc.
Cuối năm 2015, ông viết bài “Liệu 2016 có phải là năm lợi tức trái phiếu tạo đáy mới?”. Kết quả là đến tháng Bảy năm nay, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức 1,36% sau Brexit, đáy kỷ lục của mọi thời đại. Sau đợt bầu cử Tổng thống Mỹ, lợi tức lại tăng vọt lên đỉnh hai năm là 2,63%.
Tháng 12 năm nay, như thường lệ, ông lại có bài viết dự báo những diễn biến thị trường đáng chú ý trong năm 2017, và vàng là thứ tài sản được ông để mắt. Ông cho rằng đà tăng giá vàng thỏi chưa thể chấm dứt ngay.
Trong những năm 1970, giá vàng từng giảm gần một nửa, từ mức 195USD năm 1974 xuống còn 103USD/oz vào năm 1976, trước khi tăng lên tới 800USD vào đầu năm 1980.
Giá vàng từ năm 1971 đến 2016. |
Do đó, nếu giá vàng thỏi giảm 50% từ đỉnh cao lịch sử 1.900USD vào năm 2011, thì giá sẽ xuống đến 950USD trong năm 2017, ông Martchev so sánh. Ông cũng lưu ý nếu để mất mốc 1.000USD/oz, giá vàng giao sau sẽ “rơi không phanh”.
Nguyên nhân chính để giá vàng thỏi rớt mốc 1.000USD/oz là đồng USD chưa nguội đà tăng giá, đồng euro vẫn tiếp tục rớt dài, và Trung Quốc thì không ngừng hạ giá nhân dân tệ.
Có một điều thú vị là vàng mua bằng đồng yen có thể sẽ không bị mất giá tính theo yen vì chính sách nới lỏng tiền tệ chưa có kỳ hạn của Nhật Bản. Tương tự với vàng mua bằng euro nếu Liên minh châu Âu tan rã vì làn sóng dân túy.
Ông Martchev lý giải việc vàng luôn giữ được sức mua trong vòng 50 năm qua là do hệ thống ngân hàng dự trữ theo tỷ lệ của Mỹ (duy trì dự trữ các tài sản có khả năng hoán đổi ở một mức độ nào đó để đáp ứng những dao động không thấy trước được của việc giảm sút tiền gửi do việc rút hay chuyển tiền cho các ngân hàng khác).
Hệ thống này làm nảy sinh hiệu ứng số nhân tín dụng, khiến nguồn cung tiền tệ không ngừng gia tăng làm sức mua của đồng USD giảm theo thời gian.
Một minh chứng là tính theo lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng từ 23,51 điểm vào tháng 1/1950 lên 241,86 điểm vào tháng 10/2016, đồng nghĩa giá USD đã mất 90% sức mua kể từ năm 1950.
Tuy vậy, giá vàng thường biến động thành từng đợt, và có thể duy trì trong vùng giao dịch nhất định trong tới 20 năm, kể cả khi giá tiêu dùng tăng đều.