|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vàng hôm nay 19/3: Tăng tới 1,1 triệu đồng/lượng trong tuần qua

06:20 | 19/03/2023
Chia sẻ
Tuần qua, giá vàng thế giới tăng mạnh hơn 6% vì lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng thúc đẩy các nhà đầu tư tìm tới tài sản trú ấn an toàn. Giá vàng trong nước, nhờ vậy, cũng tăng mạnh 350.000 - 1,1 triệu đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng 7 ngày qua

Xem thêm: Giá vàng hôm nay 20/3

Trong phiên giao dịch sáng đầu tuần, giá vàng phổ biến tăng 100.000 - 350.000 đồng/lượng tại cửa hàng được khảo sát.

Cụ thể, giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji được điều chỉnh tăng nhiều nhất, 350.000 đồng ở chiều mua vào và 300.000 đồng ở chiều bán ra. Theo sau làCông ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, với giá vàng tăng 300.000 đồng ở chiều mua vào và 200.000 đồng ở chiều bán ra. 

Tập đoàn Phú Quý cũng báo giá tăng 100.000 đồng/lượng, trong khi hệ thống PNJ tăng giá mua vào 100.000 đồng nhưng giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. 

Thị trường tăng thêm 50.000 - 200.000 đồng/lượng trong phiên ngày hôm sau.

Tuy nhiên, giá điều chỉnh và giảm trong phiên liên tiếp ngày 15 - 16/3, với biên độ giảm là 50.000 - 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. 

Giá bật tăng mạnh trở lại vào cuối tuần với biên độ 50.000 - 600.000 đồng/lượng, trong đó mức tăng phổ biến là 300.000 - 550.000 đồng/lượng. 

Tính chung tuần, giá vàng trong nước đã tăng mạnh 350.000 - 1,1 triệu đồng/lượng. 

Hiện, giá trần mua vào của vàng miếng SJC ở mốc 66,85 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra của vàng miếng SJC ở mốc 67,77 triệu đồng/lượng.

Các loại vàng nữ trang khác cũng tăng mạnh trong phiên cuối tuần. Theo đó, giá vàng 24K tăng 800.000 đồng/lượng, vàng tây 18K tăng 680.000 đồng/lượng và vàng 14K tăng 530.000 đồng/lượng cho cả hai chiều giao dịch.

 Ảnh minh hoạ. 

Giá vàng thế giới ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong 3 năm

Giá vàng bật tăng hơn 2% trong phiên giao dịch đầu tuần nhờ tính chất tài sản chú ẩn an toàn giúp kéo dòng vốn trên thị trường sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB). Khủng hoảng này cũng dấy lên hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ ôn hoà hơn trong việc nâng lãi suất. 

Đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kéo dài đà giảm bất chấp những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhằm kiểm soát tình trạng hỗn loạn của ngân hàng SVB và Ngân hàng Signature.

Vàng giảm trở lại trong phiên ngày thứ Ba (14/3) vì lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, trong khi sự gia tăng của lạm phát tại Mỹ trong tháng 2 dấy lên nhiều câu hỏi về lãi suất.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng cao hơn đã ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của vàng, vốn là tài sản không mang lợi suất.

Vàng cũng ít phản ứng với dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sau khi ghi nhận mức tăng 0,4% hàng tháng vào tháng 2, như dự kiến. Chỉ tiêu này đã tăng trưởng 0,5% trong tháng 1.

Thị trường tăng trở lại hơn 1% lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 2 trong phiên ngày hôm sau vì một cuộc khủng hoảng mới trong hệ thống ngân hàng khiến các nhà đầu tư quay lưng với tài sản rủi ro và đổ xô vào tài sản an toàn. 

Cổ phiếu ngân hàng của châu Âu lao dốc, với cổ phiếu của nhà cho vay Credit Suisse giảm mạnh sau khi nhà đầu tư lớn nhất của ngân hàng này cho biết họ không thể cung cấp thêm tài chính cho ngân hàng Thụy Sĩ.

Giá vàng tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 16/3, neo gần mức cao nhất trong một tháng rưỡi xác lập vào phiên trước đó, vì lo ngại về cuộc khủng hoảng ngân hàng tiếp diễn sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất bất chấp rủi ro ổn định tài chính đang diễn ra. 

Bỏ qua sự hỗn loạn của thị trường tài chính và lời kêu gọi của các nhà đầu tư nhằm thu hồi việc thắt chặt chính sách ít nhất cho đến khi thị trường ổn định, ECB đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản hôm 16/3.

Đà tăng duy trì cho tới hết tuần với giá vàng xác lập tuần tăng mạnh nhất trong 3 tháng, tăng gần 6,5%.

Hiện, giá vàng giao ngay đạt 1.989,3 USD/ounce, theo Kitco, trong khi giá vàng giao tháng 4 kết thúc tuần ở 1.993,7 USD.

Tố Tố