|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giá vàng đạt kỷ lục, doanh thu của SJC trong năm 2022 tăng gấp rưỡi

16:18 | 09/05/2023
Chia sẻ
2022 là năm đầy biến động đối với giá vàng SJC khi có lúc đạt kỷ lục trên 70 triệu đồng/lượng do căng thẳng Nga - Ukraine bùng nổ. Doanh thu của SJC cũng tăng mạnh 53% lên 27.153 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 0,74% lên 1%.

Theo báo cáo tài chính sau kiểm toán của Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn-SJC, doanh thu của năm 2022 của SJC tăng 53,5% so với năm 2021 đạt 27.153 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 0,74% lên 1%. 

 Kết quả kinh doanh của SJC trong năm 2022 và 2021 (H.Mĩ tổng hợp từ BCTC sau kiểm toán của SJC)

Năm ngoái công ty ghi nhận chi phí tài chính là 40 tỷ đồng trong năm 2022, trong khi năm 2021 công ty thu về 16,5 tỷ nhờ khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư.

Trong chi phí tài chính, lãi vay chỉ chiếm phẩn nhỏ hơn 143 triệu đồng, còn lại chủ yếu là trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư.

Chi phí bán hàng tăng 73% lên 54,3 tỷ đồng. Trong đó, hai khoản lớn nhất là nhân viên (18 tỷ đồng, tăng 28%) và thuê mặt bằng (16,4 tỷ đồng, tăng 59%).

Sau khi trừ các khoản chi phí, SJC lãi sau thuế 48,6 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu đạt 30.416 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 56,7 tỷ đồng. Chỉ tiêu này tăng lần lượt 12% và 17% so với thực hiện của năm 2022. 

Sản lượng gia công vàng miếng đạt 36.158 lượng và 568.578 món nữa trang. 

Công ty cho biết trong năm 2023 sẽ thực hiện kế hoạch mở rộng thị phần và mạng lưới bán hàng; đồng thời thực hiện cổ phần hoá, sắp xếp lại doanh nghiệp.  

2022 là năm đầy biến động đối với giá vàng SJC khi có lúc đạt kỷ lục trên 70 triệu đồng/lượng do căng thẳng Nga - Ukraine bùng nổ. Sau đó giá vàng điều chỉnh xuống và đi ngang quanh mức 66 - 67 triệu đồng/lượng kéo dài đến tháng 5/2023. 

Diễn biến giá vàng trong 1 năm qua (Nguồn:  giavangvietnam) 

Thời gian gần đây, giá vàng thế giới thiết lập kỷ lục mới  2.072 USD/ounce, tuy nhiên, thị trường vàng trong nước vẫn trầm lắng. 

Lý giải cho vấn đề này, trao đổi với người viết, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính nhận định thanh khoản nền kinh tế Việt Nam đang bị bóp nghẹt khiến thu nhập của người dân và doanh nghiệp giảm mạnh. 

“Người dân không còn tiền để nghĩ để việc mua vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Không chỉ người dân và doanh nghiệp, những người đầu tư vàng thực sự cũng không có tiền mặt. Mức độ nhạy cảm của họ với giá vàng hiện nay suy giảm rất nhiều”, ông Nghĩa nhận định. 

Trong khi đó, ở thị trường thế giới, theo ông Nghĩa, phản ứng của các thị trường trước việc Fed tăng lãi suất lần thứ 10 vào tuần trước cho thấy các nhà đầu tư vẫn tin rằng khủng hoảng kinh tế sẽ còn kéo dài và dòng tiền đổ vào vàng khiến giá kim loại quý này tăng. 

Theo đó, thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống. Trong khi đó, chỉ số đồng USD giảm, trái với diễn biến thường thấy sau khi Fed tăng lãi suất.

“Điều này cho thấy tâm lý lo ngại triển vọng suy thoái kinh tế khá nặng nề. Người ta cho rằng kinh tế Mỹ có thể chuyển từ suy thoái nhẹ sang suy thoái sâu”, ông Nghĩa nhận định. 

Hiện mức chênh lệch giá vàng SJC hai chiều mua vào - bán ra khoảng 600.000 đồng/lượng, thấp hơn nhiều so với mức chênh lệch thường thấy ở những giai đoạn biến động mạnh lên tới cả triệu đồng/lượng. 

Ông Nghĩa cho rằng chênh lệch mua - bán đang bị thu hẹp dần thể hiện mức độ co giãn của nhu cầu so với giá cả suy giảm, điều này thể hiện nhu cầu rất yếu. Trong khi lãi suất rất cao, người nào còn tiền cũng không nghĩ tới việc mua vàng để trú ẩn mà tìm đến kênh tiết kiệm. 

“Với tình hình địa chính trị và những bất ổn kinh tế hiện tại, tôi cho rằng giá vàng thế giới còn tiếp tục tăng. Còn giá vàng trong nước sẽ ít nhạy cảm hơn với giá vàng thế giới, những biến chuyển cũng sẽ chậm chạp hơn bởi tình trạng kẹt thanh khoản có thể còn kéo dài”, ông Nghĩa nhận định. 

 

H.Mĩ