|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vàng có thể chinh phục mốc 77 triệu đồng/lượng: Có nên đầu tư thời điểm này?

06:45 | 08/03/2022
Chia sẻ
Trước những diễn biến phức tạp trong xung đột Nga - Ukraine, giới chuyên gia cho rằng giá vàng SJC có thể tiếp tục chinh phục mốc 77 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi có nên đầu tư vàng thời điểm hiện tại hay không, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra.

Giá vàng có thể chinh phục mốc 77 triệu đồng/lượng?

Tại thời điểm 16h48 ngày 7/3, giá vàng thế giới giao ngay chính thức chạm mốc quan trọng 2.000 USD/ounce. Điều này “tiếp lửa” cho đà tăng nóng của giá vàng trong nước lên 73,5 triệu/lượng ở chiều bán ra.

Đây là mốc cao chưa từng có trong lịch sử. Như vậy, chỉ tính riêng trong ngày hôm nay, giá vàng tăng tới 3,5 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua vào, giá vàng SJC tăng chậm hơn, khoảng 2 triệu đồng/lượng lên 71,5 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giữa chiều mua và bán nới rộng từ mốc 1,6 triệu đồng/lượng trong phiên buổi sáng lên 2 triệu đồng/lượng.

Giới chuyên gia cho rằng cơn sốt giá vàng sẽ ngày càng nóng lên theo diễn biến căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine.

Trao đổi với người viết chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc giá vàng vượt mốc quan trọng 2.000 USD/ounce tạo tiền đề cho kim loạt quý này chinh phục mốc tiếp theo là 2.200 USD/ounce. Khi đó, giá vàng trong nước có thể lên tới 77 triệu đồng/lượng.

"Trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine ngày một leo thang, nhu cầu tìm đến tài sản trú ẩn như vàng trên thế giới rất lớn. Điều này khiến giá vàng liên tục tăng mạnh trong thời gian qua. Giá vàng đã vượt 2.000 USD/ounce và cho thể tăng thêm 10% từ mốc này lên 2.200 USD/ounce. Khi đó, giá vàng trong nước là 77 triệu đồng/lượng", ông Hiếu nhận định.

Các chuyên gia phân tích thế giới đang tỏ ra khá lạc quan trước triển vọng giá vàng ở thời điểm hiện tại. 

Ông Darin Newsom, Giám đốc của Darin Newsom Analysis nhận định các nguyên tắc cơ bản của thị trường hoặc các chỉ số kỹ thuật đều không có ảnh hưởng lớn trong bối cảnh tình hình thế giới căng thẳng như hiện nay. Thực tế, chỉ số USD Index tiếp tục mạnh lên, nhưng giá vàng vẫn tiếp tục tăng.

Adrian Day, Giám đốc của Adrian Day Asset Management cho rằng ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất trong vòng chưa đầy hai tuần tới thì đà tăng của giá vàng cũng không bị ảnh hưởng. 

Ông Day cho rằng chừng nào cuộc chiến ở Ukraine còn tiếp diễn, kim loại quý này sẽ còn thể hiện sức mạnh và làm lu mờ các vấn đề về tiền tệ.

Giá vàng trong nước đang "chạy" hơn giá vàng thế giới

Một điều dễ nhận thấy trong giai đoạn thị trường biến động mạnh như hiện nay, giá vàng trong nước có vẻ đang tăng nhanh hơn so với giá vàng thế giới. Chỉ tính riêng trong vòng 1 tháng qua, giá vàng SJC tăng khoảng 23%. Trong khi đó, giá vàng thế giới tăng 7%, thấp hơn nhiều so với tốc độ của giá vàng trong nước.

Giá vàng có thể chinh phục mốc 77 triệu đồng/lượng: Có nên đầu tư thời điểm này? - Ảnh 1.

So sánh tốc độ tăng giá vàng SJC và giá vàng thế giới trong 30 ngày qua (H.Mĩ tổng hợp từ PNJ và Kitco.com)

Lý giải cho hiện tượng này, ông Hiếu cho rằng sở dĩ giá vàng trong nước tăng mạnh vì yếu tố tâm lý của nhà đầu tư.

"Nhà đầu tư vàng Việt Nam thực sự rất "yếu tim" và "nhạy bén" theo nghĩa tiêu cực đối với giá vàng thế giới. Phần lớn là nhà đầu tư cá nhân vội mua rồi lại vội bán", ông Hiếu nói. 

Ngoài ra, vị này cho rằng các nhà kinh doanh vàng đang "tát nước theo mưa" khi lợi dụng đà tăng của giá vàng thế giới để liên tiếp nâng giá vàng SJC từ đó tạo "sóng".

"Các nhà kinh doanh vàng đang lợi dụng giá vàng thế giới biến động mạnh để tăng giá chứ thực chất nhu cầu kim loại quý này ở Việt Nam không cao như thế giới. Các nhà kinh doanh vàng phải có sóng thì mới dễ kiếm lờii chứ nếu thị trường bình ổn thì rất khó", ông Hiếu nhận định.

Hiện tại, khoảng cách giá vàng trong nước và vàng thế giới đang ở ngưỡng khá cao, lên tới 16 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, giá vàng SJC rất nhạy cảm với đà tăng trong khi "vô cảm" với đà giảm của vàng thế giới. Điều này khiến khoảng cách giá giữa hai thị trường ngày càng nới rộng thêm.

Giải thích việc giá vàng trong lên thì "đi thang máy" cùng giá thế giới còn xuống thì "đi thang bộ", TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ cho rằng việc nhập khẩu vàng miếng hoàn toàn do nhà nước kiểm soát nên giá trị vàng trong nước sẽ cao hơn. Điều này khiến vàng trong nước không hoàn toàn "thông" với giá vàng thế giới.

Có nên đầu tư vàng thời điểm này?

Đây cũng là câu hỏi của nhiều nhà đầu tư trong nước ở thời điểm hiện tại khi giá vàng liên tục lập đỉnh thời gian qua. Một số ý kiến ủng hộ nhưng một số khác lại tỏ ra khá thận trọng trong giai đoạn biến động mạnh như hiện nay. Câu trả lời phụ thuộc nhiều vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. 

Theo ông Hiếu, thời điểm này có thể cân nhắc tới việc đầu tư vào vàng bởi thời gian tới tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn còn nhiều bất định và "chưa biết sẽ đi về đâu? Hướng giải quyết sẽ như thế nào?". Bên cạnh đó, lạm phát tại Mỹ và các nước lớn khác đang ở mức đỉnh nhiều năm. Tất cả vấn đề kinh tế như vậy cũng đẩy giá vàng lên.

"Lời khuyên của tôi là nên cho vàng vào rổ danh mục các tài sản đầu tư ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, cần lưu ý giá vàng có thể tăng rất nhanh mà rơi cũng rất mạnh. Do đó, không nên vay tiền để mua vàng mà hãy sử dụng tiền nhàn rỗi", ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, một vài ý kiến cho rằng chỉ nên coi vàng là nơi tích trữ tài sản thay vì là khoản đầu tư. Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của CTCK Maybank Kim Eng, dòng tiền trong năm 2022 sẽ quan tâm nhiều hơn với những tải sản trú ẩn an toàn trước những biến động về cả địa chính trị lẫn kinh tế. Điều này có thể khiến giá vàng tăng trong trung và ngắn hạn.

Tuy nhiên, theo ông mặt hàng này chỉ mang tính chất phòng thủ. Bởi ở Việt Nam, việc mua vàng được coi như một hình thức tích trữ tài sản, của để dành chứ chưa hẳn gọi là đầu tư.

Trước diễn biến giá vàng tăng mạnh thời gian qua, mới đây Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect nhận định đây chỉ là đà tăng ngắn hạn khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.

Theo đó, vàng vốn dĩ được coi là "tài sản trú ẩn an toàn" và dữ liệu lịch sử cho thấy mỗi khi các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng có xu hướng tăng trong ngắn hạn.

Tuy vậy, đà tăng của giá vàng thường không kéo dài và sẽ quay đầu giảm trở lại khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt.

Thống kê lịch sử cho thấy, mỗi khi sự kiện xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng thường lập đỉnh trong vòng 2-3 tuần sau đó, với mức tăng bình quân khoảng 4,3%.

Sau đó, giá vàng có xu hướng quay đầu giảm khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt. Trong khoảng thời gian 3-12 tháng, tác động của sự kiện đến giá vàng sẽ phai nhạt. Động lực khi đó của giá vàng sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế và chính sách tiền tệ nhiều hơn.

Giá vàng có thể chinh phục mốc 77 triệu đồng/lượng: Có nên đầu tư thời điểm này? - Ảnh 2.

Giá vàng thường tăng trong ngắn hạn do xung đột và căng thẳng địa chính trị nhưng nhanh chóng hạ nhiệt sau đó khi tình hình lắng dịu. (Nguồn: BLOOMBERG, VNDIRECT RESEARCH)

Trong bối cảnh cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể bắt đầu tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp giữa tháng 3 tới đây thì áp lực đè lên giá vàng sẽ lớn dần.

VNDirect cho rằng cho rằng đà tăng ngắn hạn của giá vàng có thể sớm kết thúc và bước vào một giai đoạn điều chỉnh khi FED đẩy nhanh quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ và tăng lãi suất điều hành trong năm 2022.

H.Mĩ