|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá trị xuất khẩu gỗ 9 tháng đầu năm tăng 16,8% và quan ngại Mỹ sẽ dùng biện pháp PVTM

14:40 | 02/10/2019
Chia sẻ
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên rủi ro về nguy cơ Trung Quốc "mượn" nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ vẫn khiến ngành hàng quan ngại.

Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 9/2019 ước đạt 842 triệu USD. Theo đó, lũy kế xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 7,5 tỉ USD, tăng 16,8% so với cùng kì năm 2018. 

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc duy trì vị trí 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu sang 4 thị trường này đạt 5,34 tỉ USD, tương đương với 80,7% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Giá trị nhập khẩu tháng 9/2019 ước đạt 198 triệu USD, đưa tổng giá trị gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu 9 tháng đầu năm đạt 1,87 tỉ USD, tăng 13% so với cùng năm 2018. 

Trong 8 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam với 21,8% thị phần. Đáng chú ý, một số thị trường có nhập khẩu gỗ tăng mạnh có thể kể đến như Nga tăng đến 284%, Lào tăng 85,2%, Italia tăng 76,6% và Trung Quốc tăng 37,5%.

Theo Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản nhiều nghiên cứu đã cảnh báo các rủi ro cho các ngành sản xuất xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là ngành gỗ với một số bằng chứng về gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc được xuất khẩu vào thị trường Mỹ qua con đường khác nhằm né thuế, nhất là đối với các sản phẩm gỗ dán (HS 4412). 

Cụ thể, nếu như xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ chỉ là 53 triệu USD trong 2010 thì đến năm 2017, con số này lên tới 387 triệu USD, năm 2018 đạt 632 triệu USD và đến hết 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ đã đạt 368 triệu USD. 

Điều này dẫn đến những quan ngại Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để chống lẩn tránh thuế đối với các sản phẩm gỗ dán của Việt Nam cũng như nguy cơ Trung Quốc "mượn" nguồn gốc xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh.

Như Huỳnh