Giá tiêu hôm nay 19/11: Tăng đến 1.500 đồng/kg trong tuần qua
Cập nhật giá tiêu trong nước
Xem thêm: Giá tiêu hôm nay 20/11
Giá tiêu tuần này đồng loạt tăng tại thị trường trong nước. Theo đó, các tỉnh trọng điểm đã điều chỉnh giá tiêu tăng 1.000 - 1.500 đồng/kg.
Cụ thể, hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai đang ghi nhận mức giá thấp nhất hiện là 67.500 đồng/kg, lần lượt tăng 1.000 đồng/kg và 1.500 đồng/kg.
Đồng thời, hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cũng điều chỉnh giá tăng 1.500 đồng/kg, lên mức tương ứng là 68.500 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt tăng 1.500 đồng/kg và 1.000 đồng/kg, lên mức tương ứng là 70.000 đồng/kg và 70.500 đồng/kg.
Cập nhật thông tin hồ tiêu
Theo Báo Đắk Nông điện tử, cây hồ tiêu từng được người dân Đắk Nông gọi là “vàng đen” vì đã đem lại cuộc sống sung túc cho rất nhiều gia đình. Tuy nhiên, do canh tác thiếu khoa học, nên loại cây trồng này một thời cũng mang đến khủng hoảng kinh tế đối với người dân.
Các xã Trường Xuân, Nâm N’Jang, Thuận Hà, Thuận Hạnh (Đắk Song) hay Đắk Sin, Hưng Bình, Đạo Nghĩa, Nhân Đạo, Đắk Wer (Đắk R’lấp) từng được gọi là những "mỏ vàng đen" của tỉnh Đắk Nông. Bởi đây đều từng là những vùng sản xuất hồ tiêu rất lớn.
Nhờ hồ tiêu, nhiều nông dân ở đây giàu lên nhanh chóng. Họ xây nhà như biệt thự ở làng quê, mua sắm phương tiện, vật dụng đắt tiền. Chuyện nông dân trồng tiêu có vài chiếc ô tô tiền tỷ để đi đây, đi đó không hiếm.
Thế nhưng, thời kỳ vàng son của hồ tiêu ở Đắk Nông kéo dài không được bao lâu. Thậm chí, đối với nhiều người, hồ tiêu giờ đây chỉ là câu chuyện buồn để kể lại, với chất chứa trong đó là những nuối tiếc, xót xa.
Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, chia sẻ với phóng viên báo Đắk Nông như sau: Hồ tiêu trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, chết nhiều nhất vào giai đoạn mùa khô cuối năm 2018, đầu 2019. Cuối năm 2018, đầu 2019, diện tích hồ tiêu mắc bệnh ở tỉnh Đắk Nông lên tới hơn 6.600 ha.
Phát triển nóng, nên người dân sử dụng giống, trụ tiêu không bảo đảm. Nhiều người dân tự nhân giống từ các vườn tiêu nhiễm bệnh, tái sử dụng trụ tiêu từ một số vườn đã nhiễm bệnh trước đó. Đây là những điều kiện để nguồn bệnh lây lan trên hồ tiêu.
Người dân không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác của Bộ NN-PTNT ban hành; lạm dụng phân bón hóa học, phân bón để kích thích sinh trưởng. Điều này đã làm cho hồ tiêu giảm khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi bên ngoài, dễ nhiễm bệnh.
Ngoài ra, cây hồ tiêu còn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khi mùa mưa đến sớm, kéo dài, tạo điều kiện cho nhiều loại côn trùng, nấm bệnh phát sinh.