|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tiêu có thể tiếp tục giảm do thương mại ảm đạm

08:12 | 07/08/2020
Chia sẻ
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự báo giá tiêu giảm trong ngắn hạn do thương mại hồ tiêu toàn cầu đang bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 7 năm 2020 ước đạt 20 nghìn tấn với giá trị đạt 49 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu tiêu 7 tháng đầu năm 2020 đạt 187 nghìn tấn và 405 triệu USD, giảm 6,5% về khối lượng và giảm 20,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. 

Giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng năm 2020 đạt 2.134 USD/tấn, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong nửa đầu năm 2020, xuất khẩu tiêu sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm cả về khối lượng và giá trị do chịu tác động kép từ đại dịch COVID-19 và dư cung. 

Trong 5 thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Đức, Pakistan và Hà Lan với 37,9% thị phần, chỉ có thị trường Mỹ có khối lượng xuất khẩu tăng. 

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang Mỹ đạt 28,7 nghìn tấn, tương đương 71,4 triệu USD, tăng 3,7% về khối lượng nhưng giảm 7,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. 

Việt Nam tiếp tục là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất của Mỹ, hiện chiếm tới 67% tổng lượng nhập khẩu tiêu của thị trường này. Thị phần của Việt Nam đã tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 20191.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Trong quý II, thị trường Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại và tăng cường nhập khẩu Hồ tiêu, chủ yếu từ Việt Nam. 

Trong khi đó, hoạt động thương mại ở các thị trường tiêu thụ Hồ tiêu lớn khác như Mỹ và EU càng trở nên trầm lắng trước sự bùng phát dịch COVID-19. 

Chính phủ Nepal đã áp lệnh cấm nhập khẩu một số mặt hàng, trong đó có Hồ tiêu nhằm siết chặt quản lí ngoại tệ. 

QuI định đột ngột này đã khiến cho nhiều lô hàng xuất khẩu Hồ tiêu từ các quốc gia khác không được thông quan và bị kẹt tại Nepal và Ấn Độ, trong đó có 58 lô hàng từ Việt Nam. 

Quy định của EU về việc hạ mức MRLs của 2 hoạt chất Chlopyrifos và Chlopyrifos-methyl về mức 0,01 mmg/kg đã được thông qua, sẽ được công bố vào tháng 8/2020 và có hiệu lực vào tháng 11/2020, chậm hơn 1 tháng so với thông báo trước đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trên thị trường thế giới, trong tháng 7, giá tiêu giao tại cảng có xu hướng tăng tại thị trường Ấn Độ và Malaysia, trong khi giá tiêu tại Brazil và Việt Nam giữ ổn định và giá tiêu của Indonesia giảm. 

Cụ thể, tính đến ngày 27/7, giá tiêu giao tại cảng của Ấn Độ và Malaysia đã tăng lần lượt 0,8% và 3,7% so với thời điểm đầu tháng. Nhu cầu tiêu tăng cao trong mùa lễ hội đã kéo giá tiêu tăng tại Ấn Độ.

Tại thị trường trong nước, giá hạt tiêu trong tháng 7 giảm so với tháng trước. Cụ thể, giá tiêu tại Bà Rịa Vũng Tàu giảm 1.000 đồng/kg xuống mức 49.000 đồng/kg

Giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông giảm 500 đồng/kg xuống 48.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đồng Nai giảm 1.000 đồng/kg xuống 46.000 đồng/kg.

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự báo giá tiêu giảm trong ngắn hạn do thương mại hồ tiêu toàn cầu đang bị ảnh hưởng do dịch COVID-19

Trong các tháng tới sức mua được dự báo sẽ giảm từ thị trường châu Âu và Mỹ trước làn sóng COVID-19 thứ 2 tại các thị trường này. 

Thêm vào đó, thảm họa thiên tai tại Trung Quốc, một trong các thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam, sẽ tác động đến nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của quốc gia này trong giai đoạn ngắn hạn.

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần lựa chọn các biện pháp thực thi và thanh toán hợp đồng nhằm giảm thiểu rủi ro, hạn chế các phát sinh thương mại quốc tế. 

H.Mĩ

MBS dự phóng lợi nhuận 4 ngành có thể tăng bằng lần trong quý IV
Lợi nhuận một số ngành dự báo giảm trong quý cuối năm như bất động sản khu công nghiệp do còn đợi hoàn thiện khung chính sách hay dầu khí do giá dầu suy giảm so với cùng kỳ.