|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá thép xây dựng giảm đợt thứ 16 liên tiếp, mức giảm 100.000 đồng/tấn

10:39 | 17/08/2023
Chia sẻ
Nhu cầu tiêu thụ thép nội địa và xuất khẩu trong 7 tháng vừa qua ở mức thấp, các nhà máy phải giảm giá bán để đáp ứng kế hoạch sản xuất/bán hàng. Trong sáng 17/8, các doanh nghiệp điều chỉnh giảm 100.000 đồng với thép cuộn CB240 và giữ nguyên giá thép D10 CB300.

Ngày 17/8, một số doanh nghiệp sản xuất thép hạ 100.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép cuộn CB240, xuống còn 13,5 – 14,04 triệu đồng/tấn, đồng thời giữ nguyên giá bán với thép vằn thanh D10 CB300, theo số liệu của Steel Online.

 (Nguồn: Steel online)

Cụ thể, doanh nghiệp thép Hòa Phát đồng loạt hạ 100.000 đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240 ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam xuống lần lượt 13,94 triệu đồng/tấn; 13,74 triệu đồng/tấn và 14,04 triệu đồng/tấn. Còn giá thép cuộn D10 CB300 vẫn giữ nguyên so với đợt điều chỉnh trước, ở mức 13,89 - 14,04 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý cũng giảm 100.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240 còn 13,64 triệu đồng/tấn. Thép cuộn D10 CB300 không điều chỉnh, hiện đang ở mức 13,79 triệu đồng/tấn.

Cùng mức giảm 100.000 đồng/tấn, giá thép cuộn của thương hiệu Việt Đức hiện đang được bán ra khoảng 13,74 triệu đồng/tấn, còn vằn thanh D10 CB300 vẫn đang giao dịch ở mức 13,99 triệu đồng/tấn.

Với mức giảm 110.000 đồng/tấn, giá thép cuộn CB240 của thương hiệu Kyoei Việt Nam (KSVC) đang ở mức 13,66 triệu đồng/tấn. Thép D10 CB300 vẫn giữ nguyên ở mức 13,81 triệu đồng/tấn.

(Nguồn: Steel online) 

Thép Thái Nguyên cũng hạ 110.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 còn 13,97 triệu đồng/tấn, còn thép vằn thanh đang được bán ra ở mức 14,08 triệu đồng/tấn.

Trong đợt điều chỉnh này, thép Việt Sing hạ 100.000 đồng với thép cuộn CB240 xuống 13,5 triệu đồng/tấn và giữ nguyên giá với thép vằn thanh D10 CB300 13,7 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, các thương hiệu như thép miền Nam, thép VJS, Pomina, Vina Kyoei chưa có động thái điều chỉnh giá.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép xây dựng đã có 16-17 đợt giảm, tuỳ thương hiệu sẽ có tần suất và mức điều chỉnh khác nhau.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết nhu cầu tiêu thụ thép nội địa và xuất khẩu trong 7 tháng vừa qua ở mức thấp, các nhà máy phải giảm giá bán để đáp ứng kế hoạch sản xuất/bán hàng, tần suất 1 lần/tuần, mức giảm trung bình 150.000 – 200.000 đồng/tấn.

Thời điểm này, thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, một vài dự án nhà ở xã hội cũng mới được triển khai chưa nhiều.

Việc cạnh tranh về giá bán, thị phần, thị trường của các nhà máy ngày càng trở nên khốc liệt để duy trì hoạt động của nhà máy. Do vậy, các doanh nghiệp trong nước đang đối mặt nhiều khó khăn do giá tồn kho cao, giá bán thấp, và các chi phí tài chính.

Hoàng Anh