|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá phân bón sẽ còn neo ở mức cao từ nay đến cuối năm

17:56 | 17/06/2021
Chia sẻ
Ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục Trưởng Cục Hóa chất cho rằng giá phân bón sẽ còn neo ở mức cao từ nay đến cuối năm. Hiện mặt hàng này đang trong chu kỳ tăng giá 10 năm/lần.

Giá phân bón tăng không phải chỉ do thuế tự vệ

Liên quan đến nguyên nhân giá phân bón tăng mạnh thời gian qua, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, cho biết Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ với phân bón DAP, MAP từ năm 2017 nhưng hiện tượng tăng giá phân bón mới bắt đầu tư những tháng đầu năm 2021.

Giá phân bón sẽ còn neo ở mức cao nay đến cuối năm - Ảnh 1.

Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương. (Ảnh: H.Mĩ)

Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT tìm hiểu nguyên nhân khiến giá phân bón thời gian qua. 

Theo đó, giá tăng chủ yếu do yếu tố bên ngoài như nguyên liệu sản xuất phân bón tăng, chi phí vận tải tăng 3-5 lần. Chi phí lớn nhất nhất là lưu huỳnh và amoniac. 

Trong thời gian vừa qua giá lưu huỳnh về tới nhà máy sản xuất tăng hơn 2 lần từ 95 USD/tấn lên 208 USD/tấn và amoniac tăng cũng tăng 31,4%, tương đương 102 USD/tấn. Giá vận chuyển cũng tăng 3-5 lần. 

Do đó, giá phân bón tăng chủ yếu do tác động bên ngoài như nguyên liệu, chi phí vận tải chứ không chỉ do áp dụng biện pháp tự vệ. 

Ông Dũng khẳng định nguồn cung phân bón DAP, MAP đáp ứng đủ nhu cầu. Theo đó, nhập khẩu phân bón DAP tăng 150%, sản xuất trong nước tăng 130% so với cùng kỳ 2020, trong khi đó cầu không biến động quá lớn so với năm trước. 

Mức tăng giá phân DAP, MAP sản xuất trong nước thấp hơn nhiều so với hàng nhập khẩu. Giá DAP, MAP trong nước giao động từ 9,5 -10,5 triệu đồng/tấn, trong khi phân nhập khẩu dao động từ 14 - 15 triệu đồng/tấn. 

Việc chúng ta chủ động đẩy mạnh sản xuất trong nước được xem là giải pháp giúp kìm hãm mức độ tăng giá chung của mặt hàng này. 

"Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT để theo dõi sát tình hình cung - cầu phân bón trong nước, biến động giá, từ đó kiến nghị giải pháp phù hợp", ông Dũng cho biết. 

Giá phân bón đang trong chu kỳ tăng 10 năm một lần

Ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục Trưởng Cục Hóa chất cho rằng giá phân bón sẽ còn neo ở mức cao từ nay đến cuối năm.

"Mặt hàng phân bón có chu kỳ tăng giá 10 năm một lần. Năm nay giống như năm 2008 nên chu kỳ giá đi lên. Việc giá tăng do nhiều yếu tố, so với cùng kỳ năm ngoái như tăng 5 lần do cước vận tải tăng bởi tình trạng khan hiếm container", ông Ngọc nói.

Trong khi đó với phân Urê, Trung Quốc sẽ đánh thuế xuất rất cao mặt hàng này khi nhu cầu nội địa lớn. Hiện thuế xuất khẩu phân Urê ở Trung Quốc lên tới 30%. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Trung Quốc, thị trường sản xuất và tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới, thời gian gần đây gặp khủng hoảng về than đá và khí đốt đã ảnh hưởng gián tiếp tới ngành sản xuất phân bón làm nguồn cung giảm. 

Hiện, Chính phủ Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu phân bón để ưu tiên mùa vụ trong nước nên nguồn cung phân bón thế giới bị thiếu hụt.

Trong khi đó, lượng phân Urê từ các nước Đông Nam Á giảm do một số nhà máy đang trong giai đoạn bảo dưỡng.  Ở Việt Nam chi phí sản xuất loại phân này hiện cũng đang tăng mạnh do giá nguyên liệu đầu vào cao.

Ngoài ra, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hai nhà máy sản xuất Urê trong nước là Phú Mỹ và Hà Bắc cùng dừng máy để bảo dưỡng định kỳ từ giữa tháng 4, trong khi Nhà máy Đạm Ninh Bình mới cho sản phẩm trở lại từ ngày 23/4 đã khiến mặt hàng ure trong nước có thời điểm thiếu cục bộ, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên đang vào mùa mưa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá phân bón trong nước vẫn ở mức cao. Giá phân Urê tại cảng Quy Nhơn đã chạm ngưỡng 9,5 triệu đồng/tấn. 

Nhập về các đại lý ở các tỉnh Tây Nguyên, tùy xa hoặc gần sẽ có giá 9,7- 9,8 triệu đồng/tấn. Đến khi bán tới tay cho nông dân là 10 triệu đồng mỗi tấn. 

Như vậy, so với cùng kỳ năm 2020, giá phân Urê đã tăng khoảng 3 triệu đồng mỗi tấn, mức tăng kỷ lục hiếm thấy từ trước đến nay với thị trường phân bón.

H.Mĩ