[Giá nông sản ngày 8/6] Giá tiêu đồng loạt về 72.000 đồng/kg, giá cà phê giảm tiếp
Ảnh minh họa. (Ảnh. P.A) |
Cập nhật giá nông sản ngày 8/6.
Trên thị trường hồ tiêu, giá thu mua tại các vùng nguyên liệu lớn ở phía nam đều dừng lại ở ngưỡng 72.000 đồng/kg.
Trong đó, giá tiêu tại một số nơi biến động nhẹ, với giá ở Đắk Nông giảm thêm 1.000 đồng/kg và giá ở Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 1.000 đồng/kg.
Như vậy, sau một thời gian đi ngang, giá tiêu trong nước lại có xu hướng giảm trở lại, về sát ngưỡng 70.000 đồng/kg.
Giá hồ tiêu tại Việt Nam (Nguồn: tintaynguyen.com) |
Trên thị trường cà phê, giá robusta ghi nhận phiên giảm thứ hai liên tiếp, với giá hợp đồng giao tháng 7 giảm 0,65% trong phiên hôm qua xuống 1,972 USD/tấn.
Theo đó, giá thu mua cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên cũng giảm 200 – 300 đồng trong hôm nay, về dao động trong khoảng 42.500 – 43.200 đồng/kg.
Giá cà phê tại Việt Nam (Nguồn: tintaynguyen.com) |
Ngược lại, giá arabica giao trong cùng tháng bất ngờ tăng nhẹ 0,16% lên 125,75 Uscent/pound, sau khi về gần đáy một năm trong phiên 6/6. Tuy nhiên, theo các phân tích kỹ thuật, xu hướng giá giảm vẫn là chủ đạo trên sàn arabica, thị trường này có giao động trong biên độ hẹp hôm qua, chứng tỏ sức mua yếu.
Giới thương lái cho biết, thị trường vẫn đang theo dõi sát tình hình thời tiết tại Brazil. Dự báo thời tiết cho hay, một số bang của Brazil sẽ đón một đợt không khí lạnh trong vài ngày tới nhưng dự kiến không có thiệt hại nào về mùa màng.
“Cuối tuần này, thời tiết tại Brazil sẽ lạnh hơn, có thể không đủ lạnh để gây thiệt hại cho cây cà phê nhưng cũng sẽ khiến các nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế ngắn hạn với mặt hàng này phải cảnh giác,” chuyên gia phân tích Jack Scoville tại công ty Inside Futures nhận định.
Nhìn chung, thị trường cà phê gần đây liên tục biến động thất thường bởi giới đầu cơ đang trong thời gian điều chỉnh vị thế, sau đợt mạnh tay bán thanh lý các vị thế dài hạn trong tháng 4.
Trên thị trường cao su, giá tiếp tục lao dốc về đáy mới trong phiên hôm nay. Cụ thể, giá cao su giao tháng 11 trên sàn TOCOM (Nhật Bản) giảm thêm 3,9 yen xuống 181,6 yen/kg. Giá cao su TOCOM lao dốc kể từ ngày 23/5 với mức giảm lên tới hơn 22% và hiện đang giao dịch ở ngưỡng thấp nhất hơn 7 tháng.
Giá cao su TOCOM (Nguồn: TOCOM) |
Tương tự tại Trung Quốc, giá cao su giao tháng 9 trên sàn SHFE có xu hướng giảm mạnh trở lại, khi mất tới 100 nhân dân tệ/tấn vào lúc 16h41 (giờ địa phương).
Vẫn là những yếu tố như, dư cung, giá dầu giảm, USD suy yếu và yếu tố kỹ thuật đang kéo giảm giá cao su tại châu Á.
Về nguồn cung, một chuyên gia môi giới ở Tokyo cho hay, Thái Lan và các khu vực khác ở châu Á đang rơi vào tình trạng dư cung cao su quá lớn.
Về giá dầu, giá mặt hàng này lao dốc 5% trong phiên hôm qua sau khi Cơ quan Năng lượng Mỹ cho biết, tồn kho dầu thô tại Mỹ tăng 3,3 triệu thùng trong tuần trước, ghi nhận lần tăng đầu tiên trong 9 tuần qua.
Về tiền tệ, USD hiện đang giao dịch ở sát ngưỡng thấp nhất 7 tháng so với rổ tiền tệ chủ chốt. Trong đó, USD mất ngưỡng 110 yen từ phiên 6/6 và hiện đang ở gần mức thấp nhất một tháng rưỡi so với yen. Tỷ giá USD/JPY suy yếu do lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản tăng khi xuất hiện đồn đoán ngân hàng trung ương nước này đang có kế hoạch ngừng kích thích kinh tế.
Về yếu tố kỹ thuật, cả sàn TOCOM và SHFE đều chịu áp lực bán tháo lớn khi giá cao su rớt khỏi ngưỡng hỗ trợ (190 yen/kg đối với sàn TOCOM và 13.000 nhân dân tệ/tấn đối với sàn SHFE).
Nếu những yếu tố cơ bản trên tiếp tục diễn biến như hiện tại, giá cao su tại châu Á chắc chắn sẽ giảm sâu hơn nữa.
Trên thị trường đường thô, giá tăng hơn 1% trong phiên hôm qua lên 14,14 Uscent/pound. Trong phiên, có lúc giá đường lên cao nhất ở 14,32 Uscent/pound.
Giá đường có thể thoát khỏi đáy hơn 15 tháng khi thị trường lo ngại về nguồn cung ở Brazil. Theo dự báo, các vùng trồng mía lớn ở nước này có thể sẽ đón nhiều trận mưa hơn trong thời gian tới, gây gián đoạn nguồn cung trong ngắn hạn.
Thị trường cũng xuất hiện lực mua mới khi một số doanh nghiệp lợi dụng thời điểm giá đường thấp để mua vào.