Giá lợn thấp thê thảm, người dân tự bán online 'giải cứu'
Trong vòng 20 ngày trở lại đây, người dân chăn nuôi lợn như "đứng trên đống lửa" do giá thị trường càng ngày càng giảm xuống trong và không có dấu hiệu dừng lại.
Tại thời điểm đầu tháng 4/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Bộ đang đàm phán để xuất khẩu thịt lợn theo đường chính ngạch nhằm "gỡ rối" cho ngành chăn nuôi lợn nước ta.
Theo đó, nguyên nhân chính khiến giá thịt lợn giảm mạnh là do tỷ lệ tăng đàn quá nhanh khiến cung vượt cầu. Đặc biệt, do không chủ động được thị trường, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên khi phía Trung Quốc thắt chặt thu mua thì ngay lập tức thị trường biến động".
Giá lợn xuống thấp kỷ lục khiến người chăn nuôi lao đao. |
“Trung Quốc là thị trường nông sản quan trọng của chúng ta. Chúng ta muốn quản lý minh bạch từ tiểu ngạch sang chính ngạch và liên tục đàm phán với Trung Quốc để khai thông từng mặt hàng, trước hết là gạo và thịt lợn, gà", Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Tống Xuân Chinh cho biết.
Trông chờ vào kịch bản "cứu giá" là vô vọng
Tuy nhiên, đến thời điểm này, sức đề kháng của đàn lợn cũng như của chính người chăn nuôi đã kiệt sức, nhiều trang trại đã không trụ vững, phá sản, kéo theo hệ lụy đối với không chỉ người chăn nuôi trực tiếp mà cả các hoạt động kinh doanh đầu vào của ngành chăn nuôi. Trong khi, việc đàm phán xuất khẩu thịt lợn vẫn chưa có gì tiến triển.
Trên thực tế, mặc dù thị trường vẫn đang giảm giá sâu nhưng nông dân vẫn tràn trề hy vọng vào kịch bản giải cứu giá của Bộ NN&PTNT. Điều này khiến tình trạng dư thừa thịt lợn càng trở nên nghiêm trọng.
Đến nay, giá lợn hơi loại tốt đang xuống dưới 25.000 đồng/kg, thậm chí nhiều khu vực giá thịt lợn hơi còn xuống tới mức 19.000 đồng/kg. Đặc biệt, với những đàn lợn quá lứa, nông dân phải bán lợn có trọng lượng 150kg/con với giá chỉ 1,5 triệu đồng/con. Mặc dù, trên thực tế giá bán thịt lợn tại chợ vẫn ở mức cao từ 70 nghìn đồng đến 110 nghìn đồng/kg.
Nhiều người dân tự giải cứu lợn bằng cách bán online. |
Chung nhau đụng lợn để tự giải cứu
Dù vậy, nhiều hộ gia đình đã tự đăng bán trên online hoặc rủ người mua chung để bán thịt lợn với giá cao hơn mà người mua cũng được hưởng giá thấp hơn khi mua ở chợ. Các topic rao bán thịt heo sạch, rủ người mua cùng mọc lên như nấm trên các mạng xã hội và nhận được sự hưởng ứng của khá nhiều người dân.
Chị Hạnh - một nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Giá lợn đang xuống thấp quá mà giá bán thịt ở chợ vẫn cao. Vì vậy, tôi và các chị đồng nghiệp ở cơ quan rủ mua chung lợn ở quê vừa để giúp đỡ cho người nông dân, vừa để được hưởng giá rẻ mà lại sạch. Tuy hơi mất công một chút vì phải ra bên xe nhận thịt và trữ tủ đông ăn dần nhưng thịt lợn có nguồn gốc đảm bảo vẫn khiến tôi yên tâm hơn".
Tại khu vực ngoại thành Hà Nội, người nuôi lợn vốn đang đau đầu vì việc giá xuống thấp, lợn thì quá lứa, trọng lượng lớn mà thương lái lại không chịu thu mua thì nay đã có thể bán cho các chị em văn phòng trong khu vực nội thành.
Dù vậy, tại các trang trại lớn và khu vực chuyên chăn nuôi lợn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng lợn ế không ai mua vẫn không hề giảm đi.
Thịt lợn hơi giảm giá sâu, không đẩy mạnh được xuất khẩu thì buộc phải tiêu thụ tại thị trường trong nước. Vì vậy, đại diện công ty Dabaco kiến nghị Bộ NN&PTNT cần có thông tin cụ thể quyết liệt hơn nữa để người chăn nuôi nắm rõ và có định hướng chăn nuôi, tránh thông tin mù mờ. Đồng thời, Bộ phải sớm thành lập hiệp hội chuyên về chăn nuôi lợn đã thúc đẩy thị trường, nắm bắt thông tin.
Nếu như sớm có định hướng và khuyến khích người dân tự "giải cứu" thịt lợn như nông sản như các đợt "giải cứu" chuối, thanh long, dưa hấu trong thời gian vừa qua thì giá thịt lợn đã không "thê thảm" như hiện nay.