|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá lợn hơi tăng phù hợp với quy luật thị trường

14:30 | 29/06/2024
Chia sẻ
Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nguyên nhân khiến giá lợn hơi tăng cao do nguồn cung giảm mạnh vì thời gian trước, giá lợn hơi thấp, khiến người nuôi giảm đầu tư tái đàn.

Nuôi lợn quy mô trang trại ở xã Phú An, huyện Cai Lậy (Tiền Giang). (Ảnh: Minh Trí/TTXVN). 

Sau thời gian dài ảm đạm, giá lợn hơi liên tục tăng trong mấy tháng trở lại đây nên người nuôi rất phấn khởi. Hiện giá lợn hơi ở mức cao, dao động từ 67 - 70 nghìn  đồng/kg (là mức giá cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây), trong khi giá thức ăn chăn nuôi giảm, giúp người chăn nuôi lãi lớn.

Với mức giá này, người chăn nuôi có thể đạt lợi nhuận khoảng 800.000 - 1.000.000 đồng/con khi xuất chuồng.

Là hộ có quy mô nuôi lợn nái và lợn thịt theo hình thức gia trại lớn ở xã Thanh Thủy (Phú Thọ), chị Nguyễn Thị Kim cho biết gia đình thường duy trì nuôi trên dưới 20-40 con lợn thịt và 6-8 con lợn sinh sản để vừa bán con giống, vừa để nuôi lợn thịt.

Chị Kim cho biết khoảng 2 năm qua giá lợn hơi khá thấp, từ 50.000-55.000 đồng/kg. Riêng từ cuối tháng 5/2024 đến nay giá lợn hơi tăng dần và hiện đang ở mức gần 70.000 đồng/kg nên chị rất phấn khởi vì đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Giá lợn hơi không chỉ tăng tại các tỉnh phía Bắc, mà còn tăng mạnh tại các tỉnh phía Nam.

Bà Thị Sơn, xã Thạnh Bình, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) cho biết đến nay gia đình gắn bó hơn 30 năm với nghề nuôi lợn và thường duy trì từ 5-7 con lợn nái để sinh sản lợn giống phục vụ cho việc chăn nuôi. Trung bình mỗi năm bà xuất bán khoảng 200 con lợn thịt. Mới đây bà Sơn xuất bán 20 con lợn thịt.

Bà Sơn chia sẻ bà cùng gia đình sống chủ yếu nhờ vào nghề nuôi lợn. Vì vậy, giá lợn hơi tăng gia đình bà rất phấn khởi. Dự kiến gia đình bà sẽ tăng số lượng nuôi lên khoảng 60 con lợn giống để mong mang về nguồn thu nhập khá, bù đắp lại những năm trước bị dịch bệnh phải tiêu hủy mấy tấn lợn thịt, thua lỗ hàng chục triệu đồng.

"Tôi mong ngành chuyên môn kiểm soát tốt dịch bệnh và phía gia đình tôi cũng tuân thủ nghiêm việc tiêm phòng vắc xin, vệ sinh chuồng trại để đàn lợn phát triển tốt," bà Sơn nói.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, giá lợn hơi tại tỉnh trong 2 tuần qua có xu hướng tăng mạnh và có lúc thương lái mua giá 68.000 - 69.000 đồng/kg, tăng khoảng 13.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2023. Từ tín hiệu lạc quan này, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh sẽ đẩy mạnh tái đàn lợn, phục hồi chăn nuôi.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết thời gian qua, tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh được phục hồi và phát triển tốt, đặc biệt là việc phát triển chăn nuôi lợn theo hướng gia trại.

Tính đến cuối tháng 5 năm 2024, tổng đàn lợn của tỉnh khoảng 214.000 con, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 55% kế hoạch chăn nuôi năm 2024.

Theo tính toán một con lợn thịt khoảng 100kg xuất chuồng, sau khi trừ chi phí, người nuôi còn lãi từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/con. Hiện giá thức ăn chăn nuôi cũng được điều chỉnh giảm từ 300-400 đồng/kg, giúp người nuôi giảm bớt gánh nặng. Nhiều người chăn nuôi đang nghe ngóng thêm tình hình dịch bệnh để vào lứa mới.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết nguyên nhân khiến giá lợn hơi tăng cao do nguồn cung giảm mạnh vì thời gian trước, giá lợn hơi bán ra thấp, nhiều thời điểm dưới giá thành sản xuất. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi lại cao, rủi ro dịch bệnh lớn khiến người chăn nuôi giảm đầu tư tái đàn.

Một lý do tác động việc giá lợn hơi trong nước tăng cao trong thời gian qua đó là ngành chức năng đã kiểm soát tốt việc nhập khẩu nguồn thịt từ các thị trường vào Việt Nam.

Ông Đăng cho biết thêm giá lợn hơi bắt đầu biến động từ cuối tháng 5 theo đà tăng dần đều và hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới như hiện nay.

Giá lợn hơi hiện đang giữ mức ổn định trong thời gian 10 ngày gần đây. Với giá như hiện nay, đang rất thuận lợi không chỉ vì giá đầu ra tăng mà giá thức ăn chăn nuôi đang giảm.

Cụ thể, giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi quý 1/2024 giảm 12-20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, giá lợn hơi biến động mạnh vì quy mô chăn nuôi thiếu ổn định, quy hoạch và dịch bệnh diễn biến phức tạp... khiến tổng nguồn cung giảm sút.

Trong giai đoạn trước Tết, dịch bệnh xảy ra diện rộng khiến người dân ồ ạt bán lợn "non." Do đó, trong những tháng đầu năm, nguồn cung (loại đủ khối lượng xuất chuồng) suy giảm, đẩy giá tăng cao.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng giá lợn hơi tăng phù hợp với quy luật thị trường. Bởi sau một thời gian dài giá lợn hơi giảm sâu xuống khoảng 52.000-53.000 đồng/kg khiến nhiều người chăn nuôi lâm vào cảnh khó khăn, không có lãi. Đến nay, giá lợn hơi lên 65.000-70.000 đồng/kg là mức hợp lý để người chăn nuôi có lãi.

Như vậy, giá lợn hơi tăng là một trong những tín hiệu tích cực, tạo đà cho ngành chăn nuôi phục hồi, phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng khuyến cáo, người chăn nuôi cần cân nhắc, lựa chọn tái đàn, chủ động theo dõi tín hiệu từ thị trường; đồng thời, chú trọng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.

Tính đến cuối tháng 4, tổng đàn lợn cả nước khoảng hơn 28 triệu con, tăng khoảng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023. Chăn nuôi lợn là lĩnh vực chủ lực, chiếm trên 60% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.

Hằng Trần (Tổng hợp)