Giá heo tăng mạnh trong tháng 7: Trung Quốc đang gom hàng của Việt Nam?
Sự tương đồng trong diễn biến giá heo hơi Việt Nam và Trung Quốc
Nửa đầu tháng 7, giá heo hơi có xu hướng tăng mạnh trở lại. Điều khá trùng hợp là giá heo hơi tại Trung Quốc cũng đang trên đà phục hồi mạnh và chính phủ nước này đang phải can thiệp bằng kho dự trữ quốc gia.
Cụ thể, giữa tháng 7 giá heo hơi tại Sàn Giao dịch Hàng hoá Đại Liên giao dịch ở mức 24,5 nhân dân tệ/kg (tương đương khoảng hơn 77.000 đồng/kg), con số này cao hơn 40% so với hồi đầu năm.
Còn tại Việt Nam, tính đến ngày 13/7, giá heo hơi dao động trong khoảng 64.000 - 68.000 đồng/kg, tăng 15% so với trung bình của tháng 6 và cao hơn khoảng 28% so với tháng 1.
Giá heo hơi Việt Nam và Trung Quốc thường biến động đồng nhất. Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, xu hướng ấy càng rõ rệt. Điển hình như thời điểm giữa năm 2020 khi dịch tả heo Châu Phi lây lan rộng, giá heo hơi Trung Quốc lên tới trên 120.000 đồng/kg; còn ở Việt Nam cũng ghi nhận mức giá tới trên 100.000 đồng/kg.
Bước sang năm 2021, khi đại dịch COVID-19 càng trở nên nghiêm trọng hơn với biến chủng Delta, giá heo hơi của cả hai thị trường đều giảm sâu xuống dưới 50.000 đồng/kg, thậm chí có lúc giá tại Việt Nam chỉ còn khoảng 37.000 đồng/kg.
Việc giá heo hơi biến động mạnh thời gian gần đây khiến một số người hoài nghi về khả năng Trung Quốc nhập khẩu heo Việt Nam theo đường tiểu ngạch.
Chia sẻ trên báo Thanh Niên, ông Nguyễn Trọng Trí, Phó giám đốc phụ trách hệ thống phân phối thịt heo Porkshop của Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam cho rằng có thể một số thương nhân đang xuất khẩu heo sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch bởi hiện chênh lệch giữa hai thị trường hiện khá lớn.
Tuy nhiên, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng khả năng xuất khẩu heo sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch là rất thấp bởi Trung Quốc đang kiểm soát dịch rất chặt vì nước này vẫn theo đuổi chính sách Zero COVID.
Lý giải cho đợt tăng giá vừa qua, ông Trọng cho rằng nhu cầu đang tăng trở lại trong khi nguồn cung hiện eo hẹp hơn.
“Việc tăng giá này là hợp lý vì nhu cầu đang tăng khi các nhà hàng quán ăn mở cửa trở lại, khách du lịch cũng tăng lên. Trong khi đó, thời gian qua vì giá heo hơi quá thấp trong khi chi phí nuôi tăng quá cao nên nhiều hộ bỏ chuồng khiến nguồn cung càng trở nên hạn chế hơn”, ông Trọng nói.
Mới đây, Cục Chăn nuôi cho biết giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ cuối năm 2020, đặc biệt tăng mạnh từ đầu năm 2022 trở lại đây do giá nguyên liệu thế giới tăng cao do xung đột Nga - Ukraine bùng nổ gây đứt gãy chuỗi cung ứng mặt hàng này. Điều này khiến giá thức ăn chuôi thành phẩm tăng 35% trong nửa đầu năm nay.
“Thời gian qua, người chăn nuôi thua lỗ kéo dài, dịch bệnh phức tạp. Suốt từ năm 2017 đến nay giá heo hơi mới đắt được 1 năm còn lại đều giảm mạnh vì dịch COVID-19 và dịch tả heo Châu Phi cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi liên tục tục tăng. Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ còn 2 triệu hộ, giảm một nửa so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh”, ông Trọng nói thêm.
Chi phí nuôi heo của doanh nghiệp khép kín, chủ động con giống khoảng 53.000 - 55.000 đồng/kg còn với trang trại nuôi nhỏ lẻ khoảng 60.000 - 63.000 đồng/kg.
Theo ông Trọng, mức giá khoảng 70.000 đồng/kg là hợp lý và thời gian tới, giá heo hơi sẽ còn tăng. Tuy nhiên, khả năng quay trở về đỉnh cũ 100.000 đồng/kg như năm 2020 rất khó vì nguồn cung không giảm quá sâu như thời điểm bùng phát dịch tả heo Châu Phi.
Vì sao Việt Nam vẫn chưa thể xuất khẩu heo chính ngạch sang Trung Quốc?
Trong bối cảnh Trung Quốc đang kiểm soát dịch bệnh gắt gao khiến hoạt động xuất khẩu khó khăn, trong đó có thịt heo (qua đường tiểu ngạch). Một số ý kiến cho rằng cần thúc đẩy việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt là đối với sản phẩm thịt đông lạnh bởi đây là xu hướng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, để vượt qua hàng rào kỹ thuật, heo đông lạnh của Việt Nam phải được nuôi, giết mổ trong chuỗi khép kín. Vấn đề này các doanh nghiệp lớn đã đáp ứng.
Thế nhưng, còn một điều kiện nữa là các trang trại phải được đặt ở khu vực an toàn dịch bệnh được Tổ chức Thú y Quốc tế (OIE) công nhận thì Việt Nam chưa làm được.
Các vùng chăn nuôi của Việt Nam hiện nay vẫn chưa được quy hoạch một cách rõ ràng, trang trại lớn, khép kín nằm xen kẽ với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Do đó, việc kiểm soát tuyệt đối rủi ro dịch bệnh rất khó.
Bên cạnh đó, chi phí chăn nuôi của Việt Nam vẫn còn cao so với khu vực và thế giới bởi vẫn còn phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát cho rằng việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh không chỉ nằm ở tiêu chuẩn mà còn khâu kiểm tra chặt và liên tục.
“Ví dụ như bản thân trang trại chúng tôi xây dựng hệ thống an toàn rất chặt chẽ. Nhưng trong quá trình vận hành chỉ cần anh em lơ là một chút là đã có nguy cơ rồi chứ chưa nói đến nông hộ. Khi xây dựng vùng an toàn dịch bệnh rồi thì cần cơ chế kiểm soát và tần suất xử lý vi phạm như nào để đạt được vùng an toàn sinh học là điều quan trọng không kém”.
Đó là những khó khăn của việc xuất khẩu thịt heo đông lạnh, còn với thịt heo hơi, không phải Việt Nam chưa tính đến chuyện xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Trọng cho biết thực tế trước đó, Việt Nam đã rất nhiều lần đàm phán để xuất khẩu heo hơi sang Trung Quốc tuy nhiên đều thất bại.
Trung Quốc đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe như phải có trang trại nuôi ở gần khu vực biên giới, cứ 45 ngày họ sẽ kiểm tra một lần đảm bảo không xảy ra dịch bệnh thì mới cho xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này không khả thi và chúng ta vẫn chưa thể xuất khẩu heo chính ngạch cả heo hơi và heo đông lạnh sang Trung Quốc.
Hiện tại, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu khối lượng rất nhỏ heo sữa và heo choai sang các thị trường như Singapore, Hồng Kông...để chế biến thịt heo quay.