Giá heo hơi khó tăng bật vì học sinh sắp nghỉ hè, nhà hàng chưa hoạt động hết công suất
Giá heo sẽ tăng nhưng không nhiều
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 4, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại do việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, các nhà hàng, nhà ăn tại trường học và nhà máy, nên giá heo hơi tăng nhẹ trở lại tại một số khu vực.
Hiện giá heo hơi trên cả nước trung bình dao động trong khoảng 53.000-58.000 đồng/kg, tăng 1.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 3.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng thời gian tới, khả năng giá heo hơi sẽ tiếp tục tăng khi giá thành chăn nuôi và giá xăng dầu ở mức cao.
Tuy nhiên, khó xảy ra đột biến do các trường học sẽ bước vào kỳ nghỉ hè, các nhà hàng, quán ăn cũng đều đang giữ mức trung bình và chưa phục hồi như thời gian trước.
Ông Đào Quang Vinh, Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm Vinh Anh nhận định thời gian qua, giá heo hơi vô cùng bấp bênh. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ tương đối lớn, khi giá cao thì bỏ liên kết nhưng khi giá thấp thì bán tháo, phá đàn, theo Hội Chăn nuôi Việt Nam.
Do vậy, cần kiểm soát lại vấn đề thống kê, con số tổng đàn tương đối chính xác và dự báo số đàn lượng thịt so với tổng đàn ra sao để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp.
Nguồn cung dồi dào, nhập khẩu thịt heo chững lại
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sản lượng thịt gia súc và gia cầm trong quý II đạt khoảng 1,6 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thịt heo chiếm 62%.
Nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ chững lại trong thời gian tới.
Trong 3 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến tiêu thụ thịt lợn trong nước không mấy khả quan.
Cụ thể, Việt Nam đã nhập khẩu 21 nghìn tấn thịt lợn, tương đương 46 triệu USD, giảm 35% về lượng và giảm 40% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Vinh cho rằng cơ quan nhà nước cần đưa ra dự báo về sản lượng, tiêu thụ sát với thực tế. Bởi đầu năm 2020, dự báo lượng thịt thiếu hụt nên các doanh nghiệp đua nhau nhập thịt về nên lượng thịt và các sản phẩm thịt.
“Tổng Cục thống kê đưa số liệu chưa phù hợp nên mạnh ai đấy nhập thịt. Có nhiều doanh nghiệp để hàng tháng trời ở container mới có kho lạnh để dự trữ.
Chân giò nhập về lên đến 52.000 đồng/kg nhưng bán thấp 22.000 đồng/kg. Bản thân nhà nhập khẩu và người chăn nuôi đều thiệt hại”, ông Vinh nói.