|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá heo hơi giảm mạnh, người tiêu dùng vẫn chưa thể mua giá trên ti vi

15:11 | 01/06/2021
Chia sẻ
Giá heo hơi giảm mạnh 20% so với đầu năm xuống mức trung bình 67.000-70.000 trên cả nước nhưng giá bán thịt heo tại các chợ, siêu thị vẫn ở mức cao, người tiêu dùng vẫn chưa thể mua thịt heo "rẻ như trên ti vi".

Giá heo hơi giảm, giá thịt heo vẫn cao

Dù giá heo hơi đầu tháng 6 xuống thấp kỷ lục so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá thịt ở nhiều chợ dân sinh tại Hà Nội vẫn ở mức khá cao, sức tiêu thụ chậm.

Chị Bùi Thanh Thảo, chủ một tiệm cơm trên phố Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Báo đài suốt ngày đưa tin giá heo giảm nhưng khi ra chợ thì không thấy chênh lệch là bao. Giá thịt heo vẫn cao ngất ngưởng, dịch COVID-19 quán ăn chỉ được bán mang về, lượng khách giảm một nửa.

Trong khi, giá bán cơm bình dân cố định ở mức 30.000-35.000 đồng/suất, nếu nâng giá thì sẽ mất khách, nên buộc chúng tôi giảm lượng thịt trong suất cơm hoặc độn thêm rau củ khi chế biến món ăn".

Theo ghi nhận, giá thịt heo hơi ngày 1/6 tại khu vực miền Bắc dao động 64.000 - 70.000 đồng/kg. Riêng tại Hà Nội, giá thịt heo hơi ở mức 69.000 đồng/kg thấp hơn 1.000 đồng/kg so với ngày 30/5. Hiện, khu vực miền Bắc cũng là nơi có giá thịt heo hơi thấp nhất cả nước.

Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá thịt heo hơi dao động từ 67.000 - 72.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, giá thịt heo hơi giao dịch trong khoảng từ 67.000 - 70.000 đồng/kg.

Giá heo hơi giảm kịch sàn, người tiêu dùng vẫn chưa thể mua giá trên ti vi - Ảnh 1.

Giá heo hơi có xu hướng giảm mạnh trong tháng 5 (Đơn vị: đồng/kg) (Biểu đồ: Hoàng Anh)

Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá heo hơi tháng 5/2020 tăng phi mã, có thời điểm cán mốc 100.000 đồng/kg. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, giá heo hơi trên cả nước đã giảm từ 28.000 - 34.000 đồng/kg.

Nghịch lý, giá heo hơi liên tục giảm và đang ở mức đáy trong vòng hơn một năm qua, song giá thịt heo tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ và chợ truyền thống còn cao, người tiêu dùng chưa mua được "giá như trên ti vi".

Giá heo hơi giảm kịch sàn, người tiêu dùng vẫn chưa thể mua giá trên ti vi - Ảnh 1.

Giá thịt heo tại siêu thị Vinmart ngày 31/5 (Ảnh: Hoàng Anh)

Tại siêu thị Vinmart, giá thịt ba chỉ quế có giá 219.900 đồng/kg, thịt vai và thịt nạc thăn lần lượt có giá 164.900 đồng/kg và 194.900 đồng/kg. Trong đó, đắt nhất là loại sườn non đặc biệt có giá lên tới 229.900 đồng/kg, rẻ nhất là loại xương đuôi với giá 109.900 đồng/kg.

Còn tại các khu chợ dân sinh, giá thịt heo ở mức 80.000 - 150.000 đồng/kg. Cụ thể giá thịt heo mông, vai là 130.000 đồng/kg, thịt ba chỉ, thịt chân giò 140.000 đồng/kg, đắt nhất là thịt sườn có giá 150.000 đồng/kg.

Theo các tiểu thương cho biết, giá thịt lợn tháng 5/2020 trung bình khoảng 150.000 đồng/kg, thịt ba chỉ đắt, sườn lên tới 160.000-170.000/kg.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết dịch COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi liên kết sản xuất – phân phối – tiêu dùng, việc vận chuyển từ vùng này sang vùng khác trở nên khó khăn, đặc biệt là các địa phương đang giãn cách xã hội.

"Người phân phối phải trả thêm nhiều chi phí phát sinh như kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, đội giá thịt heo lên cao.

Mặt khác, từ trang trại đến bàn ăn trải quá nhiều khâu trung gian, các tiểu thương lợi dụng việc đó tạo chênh lệch để hưởng lợi", ông Trọng nói.

Ai là người có lợi nhất?

Theo Cục Chăn nuôi, tổng số lợn của cả nước trong Quý I/2021 tăng khoảng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng đạt 1.019 nghìn tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, có 16 doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi, chiếm khoảng 50% tổng đàn, còn lại 50% chăn nuôi nông hộ.

Chăn nuôi nông hộ trong thời điểm này gặp khá nhiều khó khăn khi giá lợn giống tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi tăng 20-30%, dịch bệnh phức tạp người dân không chủ động khâu vận chuyển, nhiều người chăn nuôi chấp nhận bán non, bị thương lái ép giá.

"Giá heo hơi hiện đang dao động ở mức 64.000-68.000 đồng/kg, cứ dưới 70.000 đồng/kg là người chăn nuôi nông hộ lỗ vốn", ông Trọng nói.

Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi kép kín, chủ động từ nguồn con giống, thức ăn, heo thịt nên cho dù giá xuống 60.000/kg, doanh nghiệp vẫn có lãi.

Tuy nhiên, ông Trọng chỉ ra chăn nuôi theo chuỗi còn ít và chưa phủ rộng trên tất cả các địa phương nên việc tiếp cận với nguồn hàng còn khó khăn, khâu lưu thông dễ bị đứt gãy.

Trong thời điểm COVID-19, việc vận chuyển khó khăn sẽ sàng tăng giá khâu lưu thông, người tiêu dùng phải chịu giá cao do mua thịt từ tiểu thương, khó tiếp cận với người sản xuất trực tiếp.

Đặc biệt, ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, người tiêu dùng không được đi lại nhiều nên cho dù "giá cao cũng phải mua".

Giá heo hơi giảm kịch sàn, người tiêu dùng vẫn chưa thể mua giá trên ti vi - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi ( Ảnh: Sở NN&PTNT Tuyên Quang)

Ông Trọng cho biết: "Chính những nút thắt như thế khiến giá heo hơi giảm, giá thịt lợn vẫn tăng. Người sản xuất phải bán giá thấp, người tiêu dùng phải mua giá cao, duy chỉ có khâu trung gian có lãi".

Một tiểu thương tại chợ Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giá heo mua tại các lò mổ khoảng 95.000 đồng/kg, nếu bán hết con lợn gần 1 tạ, tiểu thương có thể thu lãi tiền triệu.

Hài hòa lợi ích sản xuất – phân phối – tiêu dùng

Ông Trọng cho biết nếu dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá heo giảm, giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhiều nông hộ bỏ chuồng, ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.

Trước tình hình đó, Cục Chăn nuôi chỉ đạo tất cả các tỉnh vừa chống dịch vừa tái đàn, chủ động nguồn thực phẩm trong nước và xuất khẩu.

Để chăn nuôi bền vững, Cục khuyến cáo phát triển chăn nuôi sản xuất theo chuỗi, liên kết theo hướng an toàn sinh học để không xảy ra dịch bệnh. Đồng thời, khôi phục lại chăn nuôi nông hộ theo hướng hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp, ổn định đầu ra.

Theo ông Trọng trong các giai đoạn giá thịt heo tăng, giảm thất thường, Chính phủ, Bộ NN&PTNT kêu gọi doanh nghiệp đồng hành với người dân. Nhưng, doanh nghiệp kinh doanh khó kiểm soát, thị trường lúc tăng đột biến, lúc phải giải cứu.

"Nếu xem xét đưa mặt hàng thịt heo vào đối tượng bình ổn giá thì sẽ thuận lợi hơn, cân bằng lợi ích giữa các khâu sản xuất – phân phối – tiêu dùng", ông Trọng nói.

Hoàng Anh