Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng vọt lên đỉnh hai năm
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam leo đỉnh hai năm nhờ nguồn cung nội địa thấp
Theo Reuters, nguồn cung trong nước thấp đã kéo giá gạo 5% tấm của Việt Nam lên mức cao nhất trong hai năm là 450 USD/tấn vào thứ Năm (7/5), nhưng hoạt động trên thị trường xuất khẩu vẫn khá trầm lắng.
"Không có nhiều hợp đồng mới được kí trong thời gian gần đây vì nguồn cung trong nước đang cạn kiệt. Nhiều công ty địa phương đang tập trung vào việc mua gạo từ nông dân cho chương trình dự trữ quốc gia", một thương nhân có trụ sở tại TP HCM cho biết.
Tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý khôi phục hoàn toàn việc xuất khẩu gạo từ tháng này, sau khi cấm xuất khẩu vào tháng 3 và giới hạn khối lượng xuất khẩu trong tháng 4 xuống còn 500.000 tấn để đảm bảo có đủ lương thực nội địa trong bối cảnh chống lại đại dịch COVID-19.
Giá gạo Ấn Độ neo ở đỉnh 9 tháng nhờ nhu cầu lớn từ cả châu Á và châu Phi
Theo đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được ghi nhận ở mức 378 - 383 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước.
Nhu cầu gạo Ấn Độ từ người mua châu Á và châu Phi đang dần cải thiện do New Delhi đang đưa ra mức giá cạnh tranh hơn so với Thái Lan, một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền nam Ấn Độ cho biết.
Một đồng rupee yếu cũng hỗ trợ hoạt động thương mại gạo của nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, giúp tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu.
Giá gạo Thái giảm 11 - 20 USD/tấn trong tuần này
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm từ 535 - 557 USD của tuần trước xuống 515 - 546 USD/tấn trong tuần này, vì lo ngại về nguồn cung nội địa đã giảm bớt dù nhu cầu quốc tế vẫn không thay đổi, theo các thương nhân.
"Giá gạo đã tăng cao vì các nhà máy xay xát lo ngại về tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra, nhưng sau một đợt mưa, các nhà máy bắt đầu bán lại hàng tồn kho của họ", một nhà kinh doanh gạo có trụ sở tại Bangkok cho biết.
Một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỉ đã diễn ra vào đầu năm nay gây căng thẳng cho nguồn cung và đẩy giá gạo Thái Lan lên mức cao nhất trong khoảng 7 năm vào đầu tháng 4.
Tuy nhiên, những lo ngại về nguồn cung hiện đã giảm bớt nhờ những cơn mưa gần đây và dự báo sẽ có mưa nhiều hơn ở các vùng trồng lúa gạo.
Trong khi đó, hôm 7/5, Bộ lương thực Bangladesh cho biết quốc gia này sẽ mua 1,15 triệu tấn gạo và 800.000 tấn lúa từ nông dân địa phương trong vụ thu hoạch hiện tại để đảm bảo nguồn cung.
Tình trạng mua tích trữ do hoảng loạn đã kéo giá gạo trong nước lên mức cao nhất trong hai năm tại Bangladesh khi số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt quá 10.000 vào đầu tuần.