Giá điều xuất khẩu thấp nhất kể từ cuối năm 2016
Giá điều xuất khẩu lao dốc, khó khăn trăm bề |
Trong tháng 8, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu ước đạt 30.000 tấn với giá trị 254 triệu USD.
Lũy kế xuất khẩu điều nhân 8 tháng đầu năm nay ước đạt 238.000 tấn và với kim ngạch 2,2 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá điều xuất khẩu thấp nhất kể từ cuối năm 2016 |
Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt điều nhân tháng 8 đạt 8.466 USD/ tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016, giảm 429 USD/tấn (tương đương giảm 4,8%) so với tháng 7.
Khối lượng hạt điều nhập khẩu trong tháng 8 ước đạt 158.000 tấn với giá trị đạt 285 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị hạt điều nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt 896.000 tấn và giá trị đạt 1,81 tỷ USD, giảm 16% về khối lượng và giảm 12,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Giá điều nguyên liệu trong nước tháng 8 đồng loạt giảm. Tại Bình Phước, giá hạt điều thô giảm hơn 6.000 đồng/kg xuống còn 37.000 đồng/kg. Giá điều thô tại Đồng Nai giảm 2.000 đồng/kg xuống còn 47.000 đồng. Hiện nguồn cung điều vẫn dồi dào so với nhu cầu dẫn đến giá điều chưa thể tăng trở lại. Tuy nhiên từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ điều tăng mạnh tại các thị trường chính là yếu tố bù đắp cho việc giá điều giảm.
Ông Nguyễn Đức Thanh - Nguyên Chủ tịch Vinacas cho hay, nguồn nguyên liệu điều thô dùng để chế biến của Việt Nam chủ yếu dựa vào nhập khẩu, chiếm tới 70%.
Giá điều nhân xuất khẩu giảm trong khi giá điều thô nhập khẩu về làm nguyên liệu chế biến lại tăng và khan hiếm hàng. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngay từ tháng 1, giá điều nhập khẩu từ châu Phi lên tới 2.340 USD/tấn, gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2017. Đến tháng 2, con số này tiếp tục tục tăng lên gần 2.490 USD/tấn.
Nguyên nhân là do công suất chế biến điều tăng mạnh trong khi diện tích và sản lượng điều trong nước liên tục giảm. Thông thường lượng điều thô mua vào từ đầu năm sẽ được các nhà máy dự trữ để duy trì sản xuất cả năm.
Nhưng năm nay, phần lớn điều thô nhập từ đầu năm đã được sử dụng hết khiến 6 tháng cuối năm có thể thiếu điều nguyên liệu trầm trọng. Trong khi đó, nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu chế biến, do vậy các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu ồ ạt điều nguyên liệu từ châu Phi để chế biến.