|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu thô có thể phục hồi lên 50 USD/thùng?

17:38 | 28/04/2020
Chia sẻ
Một trong những doanh nhân giàu nhất nước Anh cho rằng nền kinh tế toàn cầu không sớm thì muộn, mọi thứ sẽ dần ổn định trở lại. Ông cho rằng giá dầu thô sẽ quay trở về mốc 40 - 50 USD/thùng

Theo CNBC, giá dầu thô có thể giữ ở mức thấp cho đến khi nền kinh tế toàn cầu ổn định trở lại, một trong những doanh nhân giàu nhất nước Anh nhận định.

Tại thời điểm 15h07 ngày 28/4, giá dầu thô WTI giao trong tháng 6 giảm mạnh 19,3% xuống 10,3 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm gần 4% xuống 19,2 USD/thùng.

“Tôi cho rằng giá dầu thô hiện tại khó lòng tăng bởi nhu cầu thấp và thiếu kho chứa”, Ông Gopichand Hinduja, Chủ tịch Tập đoàn Hinduja trả lời phỏng vấn tờ CNBC.

Tập đoàn Hinduja hoạt động trên nhiều lĩnh vực trong đó báo gồm ô tô, dầu khí, hóa chất, tài chính và ngân hàng. Ông Hinduja và em trai Srichand nằm trong danh sách những người giàu có nhất nước Anh. 

Ông Hinduja nói giá dầu thô giảm kể từ khi Arab Saudi và Nga thất bại trong việc đạt được thỏa thuận giảm sản lượng hồi cuối tháng 3 dẫn đến cuộc chiến giá dầu thô. Điều này càng khiến thị trường dầu thô vốn đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19  càng trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, ông Hinduja cũng nhận định rằng “Cũng cần nhớ rằng không sớm thì muộn, mọi thứ sẽ dần ổn định trở lại. Tôi cho rằng giá dầu thô sẽ quay trở về mốc 40 - 50 USD/thùng”, ông Hinduja nói.

Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng 200.000 người chỉ trong vòng vài tháng và nền kinh tế thế giới chịu thiệt hại nặng nề do nhiều nước áp lệnh giãn cách xã hội hoặc thậm chí phong tỏa các thành phố lớn nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.

Nhu cầu dầu thô thế giới đã thiệt hại khoảng 30% khiến giá mặt hàng này giảm xuống mức thấp kỉ lục. Trong khi đó, các quốc gia khai thác dầu thô lớn tuyên bố sẽ giảm sản lượng. Một số chuyên gia cho rằng mức giảm 9,7 triệu thùng/ngày không đủ để bù đắp nhu cầu dầu thô bị giảm sút.

Ông Hinduja cũng kì vọng rằng nền kinh tế Anh sẽ phát triển mạnh sau khi dời EU. Anh đã chính thức rời EU từ ngày 31/1 nhưng hiện vẫn đang trong giai đoạn chuyển giao kéo dài đến tháng 12 năm nay. 

Trong giai đoạn này, Anh được kì vọng sẽ đàm phán thương mại với 27 nước còn lại trong khối EU. Tuy nhiên, khủng hoảng từ đại dịch COVID-19 đang đe dọa tới các cuộc đàm phán.

“Theo quan điểm của tôi, nước Anh sẽ phát triển mạnh sau khi rời khỏi EU bởi thủ tướng Boris Johnson sẽ phải quan tâm rất lớn đến nền kinh tế. Nhưng bất ổn bởi Brexit kéo dài từ năm 2016 và cuộc trưng cầu dân ý đã khiến nền kinh tế Anh đi xuống”, ông Hinduja giải thích.

Tây Ban Nha, Italy, Pháp và Đức năm trong top 5 những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19. Anh cũng là nước  có số ca nhiễm lớn với 158.000 người và hơn 21.000 ca tử vong. 

H.Mĩ