Giá dầu tăng cao giúp ExxonMobil và Chevron thêm lợi nhuận
Sau khi giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ lao dốc hồi đầu năm 2020 do các biện pháp hạn chế dịch COVID-19 tác động đến nhu cầu, thì nay nhu cầu đã phục hồi trở lại một cách mạnh mẽ, đưa giá dầu trở lại trên 80 USD/thùng và khiến giá khí đốt của châu Âu tăng hơn 5 lần so với mức một năm trước.
Các “đại gia” dầu mỏ của Mỹ, từng báo cáo thua lỗ trong giai đoạn dịch bệnh tồi tệ nhất, hiện đang tạo ra một dòng tiền mặt tự do ổn định, đồng thời làm dấy lên câu hỏi về các kế hoạch đầu tư trong tương lai của các công ty. Dòng tiền tự do đại diện cho lượng tiền mặt mà doanh nghiệp có thể tạo ra sau khi để lại một phần để duy trì hoặc mở rộng các tài sản phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Giá dầu và khí đốt tăng mạnh trong thời gian gần đây diễn ra trong bối cảnh ngành này phải đối mặt với sức ép gia tăng từ các nhà đầu tư muốn xây dựng các cơ sở phát thải carbon thấp do lo ngại về biến đổi khí hậu gia tăng.
Mặc dù ExxonMobil và Chevron đều thông báo sẽ chi nhiều hơn cho việc mua lại cổ phần, song ExxonMobil cho biết sẽ thúc đẩy đầu tư vào các dự án phát thải thấp hơn, trong khi Chevron cho biết ngân sách năm 2022 sẽ tăng thêm cho cả dự án thông thường và các dự án carbon thấp.
ExxonMobil đã báo cáo lợi nhuận đạt 6,8 tỷ USD trong quý III/2021, so với mức thua lỗ 680 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái, và doanh thu tăng khoảng 60% lên 73,8 tỷ USD.
Giám đốc điều hành ExxonMobil Darren Woods cho biết ExxonMobil có kế hoạch tăng chi tiêu "gấp bốn lần so với kế hoạch trước đó” cho các dự án phát thải khí carbon thấp hơn, và một khoản đầu tư khác sẽ được chuyển tới các dự án mà cần có thêm sự hỗ trợ chính sách của chính phủ. Tuy nhiên, ExxonMobil vẫn duy trì triển vọng đầu tư vốn từ 20-25 tỷ USD/năm.
Trong khi đó, Chevron báo cáo lợi nhuận ở mức 6,1 tỷ USD so với mức thua lỗ 207 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tăng 83% lên 44,7 tỷ USD.
Giám đốc tài chính của Chevron, Pierre Breber, nói với hãng tin CNBC rằng Chevron có kế hoạch đẩy mạnh mua lại cổ phần và nâng ngân sách chi tiêu vốn năm tới lên "ít nhất" 20% so với mức năm 2021. Ông Breber cho biết số tiền bổ sung sẽ được chuyển đến "hoạt động kinh doanh truyền thống và kinh doanh năng lượng mới của Chevron".
Cả hai “gã khổng lồ” dầu mỏ này đều bày tỏ sự biểu biết rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa xã hội nghiêm trọng, đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ đối với Hiệp định Khí hậu Paris và đầu tư vào các dự án carbon thấp.