|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Giá đất Việt Nam tăng vọt, nhà đầu tư ngoại vẫn đánh giá cao

07:33 | 08/11/2019
Chia sẻ
Đại diện Indochina Capital cho rằng giá bất động sản Việt Nam dù có tăng nhanh trong thời gian qua, nhưng so với các nước khác vẫn còn khá thấp. Cơ hội cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này còn rất lớn, nhất là đối với phân khúc căn hộ cao cấp và bất động sản công nghiệp.
Giá đất Việt Nam tăng vọt, nhà đầu tư ngoại vẫn đánh giá cao - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, giá bán căn hộ cao cấp ở các thành phố lớn vẫn còn thấp hơn đáng kể so với khu vực, do đó vẫn hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại Hội nghị Đầu tư 2019 với nội dung “Kinh tế Việt Nam 2020 – 2030: Suy thoái hay hưng thịnh?” do tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức tại TPHCM vào ngày 5-11, ông Michael Paul Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation, nhận định rằng bất động sản Việt Nam, gồm lĩnh vực căn hộ cao cấp và khu công nghiệp, vẫn hấp dẫn và còn nhiều dư địa cho nhà đầu tư.

Ở phân khúc căn hộ, mặc dù tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua nhưng giá bán căn hộ cao cấp ở các thành phố lớn vẫn còn thấp hơn đáng kể so với khu vực, do đó vẫn hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Chẳng hạn, giá mỗi m2 căn hộ cao cấp ở Hà Nội khoảng 3.200 đô la Mỹ và TPHCM ở mức 3.800 đô la, trong khi ở Bangkok (Thái Lan) lên đến khoảng 4.500 đô la.

Nếu so với các thị trường phát triển khác thì giá căn hộ cao cấp ở Hà Nội và TPHCM thậm chí còn thấp hơn nhiều, như Đài Bắc (Đài Loan) khoảng 9.500 đô la, Tokyo (Nhật Bản) khoảng 15.800 đô la, Singapore là 25.600 đô la, HongKong lên đến con số 45.500 đô la.

Bên cạnh đó, Giám đốc Điều hành Indochina Capital còn chỉ ra rằng Việt Nam tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cao, trong đó với khoảng 70% nguồn vốn này vào lĩnh vực sản xuất là cơ hội cho các nhà phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp, hậu cần.

Giá đất Việt Nam tăng vọt, nhà đầu tư ngoại vẫn đánh giá cao - Ảnh 2.

Ông Michael Paul Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Hùng Lê

Theo đó, Việt Nam hấp dẫn các nhà sản xuất công nghiệp vì nguồn lao động trẻ dồi dào và chi phí còn thấp. Chẳng hạn so với Indonesia thì chi phí lao động ở quốc gia "vạn đảo" này thấp hơn Việt Nam, nhưng chi phí đất đai thì lại cao hơn. Do đó, đầu tư ở Việt Nam vẫn thuận lợi hơn.

"Việc hai nhà sản xuất giầy dép hàng đầu thế giới, gồm Nike và Adidas chọn Việt Nam làm cơ sở sản xuất với sản lượng lớn hơn gấp đôi ở Trung Quốc cũng phần nào cho thấy lợi thế của Việt Nam hiện nay", ông Piro nói.

Bên cạnh 2 lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư ngoại là căn hộ cao cấp và sản xuất công nghiệp, đầu tư nước ngoài "chảy" vào Việt Nam tăng trưởng cao còn nhờ doanh số bán lẻ, từ đó thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng logistic hiện đại, ước tính tăng trung bình 20% mỗi năm trong 5 năm gần đây.

Một lĩnh vực khác của bất động sản là phân khúc nghỉ dưỡng cũng tăng trưởng nhờ sự phát triển của cơ sở hạ tầng và hàng không giá rẻ, cũng như sức hút của nhà đầu tư nước ngoài. 

Tuy nhiên, đối với lĩnh vực condotel thì đại diện Indochina Capital lưu ý các nhà đầu tư cần thận trọng, cân nhắc trước những quảng bá của người bán về mức lợi nhuận cao do phân khúc kinh doanh này còn nhiều gam màu xám.

Hội nghị Đầu tư lần này tập hợp các thảo luận và dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2030, đáng chú ý là những tác động đến thị trường đầu tư tài chính, chứng khoán, bất động sản. Hội nghị còn đưa ra kịch bản tăng trưởng then chốt, giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có những quyết sách cho sự phát triển bền vững ở giai đoạn thiếp theo.

Tại hội nghị năm nay, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết dù còn nhiều thách thức trong giai đoạn mới nhưng nền kinh tế Việt Nam được dự báo trong những năm tới sẽ trở thành thị trường hấp dẫn thu hút đầu tư, đa dạng hóa các lĩnh vực tiềm năng như: hỗ trợ tiêu dùng (phân phối bán lẻ; du lịch,...); hỗ trợ mạng sản xuất, chuỗi giá trị (dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, logistics...); lĩnh vực mới nổi (kinh tế xanh, kinh tế đa nền tảng, e-commerce, fintech,…).

Kỳ vọng vào thị trường chứng khoán

Liên quan đến thị trường chứng khoán, tại hội nghị, ông Nguyễn Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho rằng quy mô và thị trường cổ phiếu Việt Nam phát triển vượt bậc trong những năm qua và đang liên kết chặt chẽ hơn với nền kinh tế.

Tính đến hết quí 3-2019, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt mức tương đương với 81% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), vượt trước chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra trước đó. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực con số này vẫn thấp hơn khá nhiều.

Dựa theo giả định kinh tế tăng trưởng 6,8% và lạm phát quanh ngưỡng 4% theo mục tiêu của Chính phủ trong năm 2020, lãnh đạo VDSC ước tính vốn hóa thị trường cần tăng ít nhất 35% trong năm 2020 để tỉ lệ vốn hóa thị trường/GDP đạt 100%.

Điều này đòi hỏi phải thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn ở khối doanh nghiệp nhà nước và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn. Hàng loạt doanh nghiệp lớn được "điểm danh" trong năm 2020 như Mobifone, VNPT, Agribank, Vicem... Ước tính các doanh nghiệp này có giá trị niêm yết lên tới 8 tỉ đô la sẽ góp phần tăng giá trị vốn hóa cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Hùng Lê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.