|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cao su thị trường châu Á tăng trở lại

21:25 | 30/09/2020
Chia sẻ
Nguyên nhân mùa mưa tại Thái Lan và tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng trồng cao su do các biện pháp phòng dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mủ cao su trong khi tồn kho cao su tự nhiên lại đang giảm.

Báo cáo thị trường nông, lâm, thủy sản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết giá cao su trên các thị trường châu Á tăng trở lại trong 10 ngày giữa tháng 9/2020.

Cụ thể tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), ngày 21/9 giá cao su RSS3 giao hạn tháng 10/2020 giao dịch ở mức 206,4 Yên/kg (tương đương 1,97 USD/kg), tăng 2,3% so với 10 ngày trước đó.

Tại sàn SHFE Thượng Hải, ngày 21/9, giá cao su RSS3 giao hạn tháng 10/2020 giao dịch ở mức 11.800 NDT/tấn (tương đương 1,74 USD/tấn), tăng 3,4% so với 10 ngày trước đó.

Tại Thái Lan, ngày 21/9 giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 59,07 Baht/kg (tương đương 1,89 USD/kg), tăng 5,5% so với 10 ngày trước đó.

Giá cao su thị trường châu Á tăng trở lại - Ảnh 1.

Diễn biến giá cao su RSS3 tại Thái Lan trong tháng 9/2020 (ĐVT: Baht/kg). Nguồn: Bộ Công Thương/Thainr.com

Theo Cục Xuất nhập khẩu giá cao su tăng trở lại khi nguồn cung hạn hẹp do mùa mưa tại Thái Lan và tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng trồng cao su do các biện pháp phòng dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mủ cao su.

Bên cạnh đó tồn kho cao su tự nhiên trên Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange – SHFE) tuần từ ngày 14/9 – 18/9 giảm 810 tấn, đạt 214.400 tấn, giảm 0,4% so với tuần trước đó; tồn kho theo hợp đồng tương lai đạt 247.946 tấn, tăng 2.096 tấn (tương đương tăng 0,9%) so với tuần trước. 

Ngoài ra nhu cầu thị trường găng tay cao su ngày càng tăng và tình hình thị trường ô tô tại Trung Quốc cải thiện.

Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) nâng dự báo về triển vọng kinh tế. Doanh số bán ô tô của Trung Quốc trong tháng 8/2020 tăng 11,6% so với tháng 8/2019, lên 2,19 triệu chiếc, tăng tháng thứ 5 liên tiếp. Doanh số bán xe và lốp xe phục hồi nhanh sau đại dịch và các chính sách hỗ trợ phục hồi của chính phủ đã khiến nhu cầu cao su tại Trung Quốc tăng. 

Theo Báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), trong 7 tháng đầu năm 2020, sản lượng cao su tự nhiên trên thế giới giảm 8,9% trong khi tiêu thụ giảm 14% so với cùng năm 2019. 

Sản lượng cao su tự nhiên trong năm 2020 dự báo đạt 13,15 triệu tấn (thấp hơn so với mức 13,19 triệu tấn của dự báo đưa ra trước đó), giảm gần 5% so với năm 2019, do tác động chuỗi của đại dịch COVID-19 và khiến ngành công nghiệp cao su có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. 

Triển vọng tiêu thụ cao su tự nhiên thế giới năm 2020 cũng giảm xuống còn 12,54 triệu tấn (thấp hơn so với mức 12,75 triệu tấn của dự báo đưa ra trước đó), giảm gần 9% so với năm 2019.

Như Huỳnh