|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cao su hôm nay 14/12: Thị trường giảm hơn 2% trong tuần qua

17:46 | 14/12/2024
Chia sẻ
Mặc dù phục hồi trong phiên cuối tuần nhưng tính chung giá cao su trên các sàn giao dịch vẫn giảm từ 2,1 – 2,4% trong cả tuần qua. Với nguồn cung có nguy cơ tiếp tục gián đoạn, chuyên gia thị trường tỏ ra lạc quan về triển vọng giá cao su tuần tới.

Cập nhật giá cao su thế giới

Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 14/12), giá cao su RSS 3 giao tháng 3/2025 tại Sở Giao dịch Osaka (OSE) Nhật Bản đứng ở mức 368,9 yen/kg, tăng nhẹ 0,7% so với phiên giao dịch trước nhưng vẫn giảm khoảng 2,4% (9 yen/kg) so với tuần trước.

Trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Thượng Hải (SHFE) - Trung Quốc, giá cao su tự nhiên hợp đồng giao tháng 1/2025 đạt 18.185 nhân dân tệ/tấn, tăng 0,4% so với ngày hôm trước nhưng giảm 2,1% (395 nhân dân tệ/tấn) so với một tuần trước.

Tương tự, giá cao su RSS 3 hợp đồng giao tháng 1/2025 tại Thái Lan cũng tăng 1,9% so với hôm trước và giảm 1% trong cả tuần qua, ở mức 84,95 Baht/kg.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ Sàn Osaka Nhật Bản

Theo Hãng Thông tấn Malaysia (Bernama), chuyên gia trong ngành cao su, ông Denis Low, nhận định thị trường cao su nội địa Malaysia dự kiến sẽ có xu hướng tăng vào tuần tới do sản lượng mủ cao su thấp và tình hình nguồn cung eo hẹp.

Ông cho biết mưa liên tục ở các vùng sản xuất đang khiến sản lượng mủ cao su giảm, dẫn đến tình trạng nguồn cung rất thiếu hụt.

“Thái Lan đang chuẩn bị cho tình trạng lượng mưa tăng từ nay đến cuối tháng 12 với nhiệt độ giảm vào buổi sáng từ mát mẻ sang lạnh kèm theo gió mạnh”, ông Denis Low nói.

Trong khi đó, Hiệp hội các nhà sản xuất găng tay cao su Malaysia (MARGMA) cho biết ngoài nguy cơ gián đoạn nguồn cung, đồng Ringgit suy yếu và giá dầu thô cao có thể tạo động lực tăng giá.

Tâm lý thị trường cũng sẽ được củng cố bởi việc ra mắt sáng kiến Cao su thiên nhiên bền vững của Malaysia (MSNR) đầu tiên về xuất khẩu cao su tuân thủ theo tiêu chuẩn Liên minh châu Âu (EU) được đưa ra bởi Bộ trưởng Bộ Trồng trọt và Hàng hóa, Datuk Seri Johari Abdul Ghani.

Theo MARGMA, sáng kiến này thể hiện cam kết của Malaysia trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững quốc tế trước khi Quy định về Nạn Phá rừng của EU (EUDR) được triển khai.

“Tuy nhiên, điều kiện kinh tế toàn cầu yếu hơn và nhu cầu thấp từ các ngành tiêu thụ chính có thể hạn chế mức tăng giá đáng kể,” hiệp hội cho biết.

Theo Cơ quan Thống kê Malaysia, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Malaysia trong tháng 10 giảm 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 48.151 tấn. Trong đó, 43,2% được xuất khẩu sang Trung Quốc, tiếp theo là Đức 9,8%, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất 9,2%, Mỹ 4,8% và Bồ Đào Nha 2,8%.

Nhập khẩu cao su tự nhiên của Malaysia trong tháng 10 đạt 86.918 tấn, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Những thị trường cung cấp chính và gồm Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Philippines và Myanmar.

Tổng sản lượng cao su thiên nhiên trong tháng 10 là 38.400 tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ. Đồng thời, tồn kho cao su thiên nhiên của Malaysia là 134.844 tấn, tăng 1,9% so với tháng trước và giảm 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 10, tiêu thụ cao su thiên nhiên của Malaysia giảm 9,9% so với cùng kỳ xuống 24.130 tấn, nhưng tăng 2,1% so với tháng trước. Ngành găng tay cao su vẫn là ngành tiêu thụ lớn nhất, chiếm 60,2% tỷ trọng; lốp xe và ống cao su chiếm 10,2%; chỉ sợi cao su chiếm 13,8% và các ngành khác chiếm 15,8%.

Cập nhật giá cao su trong nước

Tại trong nước, giá thu mua cao su của các công ty tiếp tục đi ngang trong ngày cuối tuần.

Công ty Cao su Bà Rịa báo giá thu mua mủ nước ở mức 447 – 457 đồng/TSC, mủ đông DRC (35 - 44%) đạt 13.500 đồng/kg; mủ nguyên liệu từ 16.700 - 18.000 đồng/kg.

Tương tự, Công ty Cao su Mang Yang thu mua mủ nước trong khoảng 434 – 438 đồng/TSC, mủ đông tạp từ 387 - 441 đồng/DRC.

Công ty Cao su Phú Riềng báo giá thu mua mủ tạp ở mức 415 đồng/DRC, mủ nước là 465 đồng/TSC.

Hoàng Hiệp