Giá cao su có thể duy trì đà tăng trong tháng 10?
Trong tháng 10, dự kiến giá cao su thiên nhiên có thể giảm từ mức cao hiện tại nhưng giá trung bình của cả tháng có thể tăng nhẹ so với tháng 9, theo Global Rubber Markets. Theo chu kỳ thông thường, các khu vực sản xuất cao su trên thế giới có thể bước vào giai đoạn cao điểm về sản lượng.
Điều này đồng nghĩa với việc sản lượng mủ cao su mới dự kiến sẽ tăng cả trong nước lẫn quốc tế. Hơn nữa, một số nguồn dự trữ cao su thiên nhiên từ Cục Dự trữ Lương thực và Chiến lược Quốc gia có thể sẽ được đưa ra thị trường, làm tăng nguồn cung cao su. Tình trạng giảm lượng hàng tồn kho có thể sẽ thay đổi.
Về phía nhu cầu, do ảnh hưởng của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, một số doanh nghiệp sản xuất lốp xe Trung Quốc có thể tạm ngừng sản xuất. Đồng thời, giá nguyên liệu đầu vào có thể tiếp tục duy trì ở mức cao, khiến các công ty sản xuất lốp xe gặp áp lực về chi phí, làm giảm công suất hoạt động. Do đó, nhu cầu có thể không đủ mạnh để giữ giá cao su ở mức cao.
Sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản dự kiến sẽ giảm đi. Tuy nhiên, xét về môi trường vĩ mô, với việc triển khai các chính sách tiền tệ, một môi trường vĩ mô thuận lợi có thể hỗ trợ thị trường hàng hóa nói chung, và điều này có thể góp phần hỗ trợ giá cao su thiên nhiên.
“Tóm lại, trong tháng 10, giá cao su thiên nhiên dự kiến sẽ giảm khỏi mức đỉnh hiện tại. Nhà đầu tư nên theo dõi chặt chẽ những biến động thời tiết ở các khu vực sản xuất trong và ngoài nước, cũng như tác động từ những diễn biến kinh tế vĩ mô bên ngoài”, theo Global Rubber Markets.
Trong tháng 9/2024, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á liên tục tăng và lập đỉnh mới do được hỗ trợ bởi điều kiện thời tiết bất lợi ở các khu vực sản xuất chính, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung thiếu hụt, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương Việt Nam).
Siêu bão Yagi vừa qua đã tác động nghiêm trọng đến sản xuất cao su tại Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia, ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu trong mùa cao điểm.
Tại Trung Quốc, siêu bão Yagi đã khiến cho các vùng sản xuất cao su chính của đảo Hải Nam như Lâm Cao và Trừng Mại bị thiệt hại tương đối nặng.
Tập đoàn Cao su Hải Nam thông báo, khoảng 230.000 ha đồn điền cao su đã bị ảnh hưởng bởi bão, dự kiến sản lượng cao su khô sẽ giảm khoảng 18.000 tấn. Mặc dù công việc khai thác cao su đã dần được nối lại nhưng thời tiết mưa vẫn ảnh hưởng đến việc giải phóng nguyên liệu, khiến sản lượng khan hiếm, các nhà máy chế biến gặp khó khăn trong việc thu gom keo thô.
Ngoài ra, theo trang Global Rubber Markets, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tung ra nhiều chính sách tài chính quan trọng, hỗ trợ thị trường hàng hóa nói chung. Sự đồng hành của các chính sách này đã đẩy giá cao su lên cao hơn. Tuy nhiên, do giá cao su thiên nhiên cao, các doanh nghiệp sản xuất lốp xe phải đối mặt với áp lực chi phí ngày càng lớn, khiến nhu cầu mua hàng không mạnh. Chỉ một số ít doanh nghiệp bổ sung kho khi giá cao su ở mức thấp hơn.
Trong tháng 9/2024, giá cao su tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE) Nhật Bản và Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) đều ghi nhận mức tăng mạnh.
Tại OSE, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ngày 27/9 đạt 401 Yên/kg (2,8 USD/kg), tăng 3,6% so với cuối tháng 8/2024 và tăng 76,7% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong nhiều năm.
Tại SHFE, giá RSS3 đạt 17.110 nhân dân tệ/tấn (2,44 USD/kg), tăng 11,9% so với cuối tháng 8 và 36,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Thái Lan, giá cao su RSS3 chào bán ngày 27/9 đạt 87,25 Baht/kg (2,69 USD/kg), tăng 2,9% so với cuối tháng 8 và 57,4% so với cùng kỳ năm trước, do tình hình khai thác bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu.