|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cao su biến động trái chiều trong tháng 5

21:09 | 04/06/2021
Chia sẻ
Trong tháng 5/2021, giá cao su tại Nhật Bản và Thái Lan tăng do đại dịch COVID-19 bùng phát khiến cho việc thu hoạch mủ gặp khó khăn bởi tình trạng thiếu nhân lực, gây khan hiếm nguồn cung, trong khi đó, giá cao su lại có xu hướng giảm tại Thượng Hải.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 5/2021, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt biến động trái chiều, so với cuối tháng 4/2021 giá tại Nhật Bản và Thái Lan tăng, trong khi giảm tại Thượng Hải.

Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản giá cao su có xu hướng giảm trong mấy phiên gần đây, nhưng so với cuối tháng 4/2021 giá vẫn tăng. 

Ngày 28/5, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 6/2021 giao dịch ở mức 256,8 Yên/kg (tương đương 2,34 USD/kg), tăng 6,3% so với cuối tháng 4/2021 và tăng hơn 86% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su có nhiều biến động, giá có xu hướng giảm mạnh trong tuần giữa tháng 5/2021. 

Ngày 28/5, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 6/2021 ở mức 13.365 NDT/tấn (tương đương 1,78 USD/kg), giảm 2,9% so với cuối tháng 4/2021, nhưng tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá cao su biến động trái chiều trong tháng 5 - Ảnh 1.

Diễn biến giá cao su giao kỳ hạn tháng 6/2021 tại sàn SHFE trong tháng 5/2021 (ĐVT: NDT/tấn). (Nguồn: shfe.com.cn/Bộ Công Thương).

Tại Thái Lan, giá có xu hướng tăng mạnh. Ngày 28/5, giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 71,6 Baht/kg (tương đương 2,29 USD/kg), tăng 8,5% so với cuối tháng 4/2021 và tăng 64,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), tháng 4/2021, sản lượng cao su tự nhiên thế giới đạt 903.000 tấn, trong khi nhu cầu lên tới gần 1,13 triệu tấn. 

Nguồn cung cao su toàn cầu chuyển sang thiếu hụt do Trung Quốc tăng cường mua vào. Ngành sản xuất ô tô Mỹ hồi phục tích cực cũng góp phần làm cho thị trường thêm sôi động. 

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 bùng phát ở châu Á khiến cho việc thu hoạch mủ gặp khó khăn bởi tình trạng thiếu nhân lực, gây khan hiếm nguồn cung. 

Tại Ấn Độ, nước tiêu thụ cao su lớn thứ 2 thế giới và là nước sản xuất cao su lớn thứ 6 thế giới, đang phải đối mặt với khủng khoảng COVID-19. Bang Kerala, nơi sản xuất cao su lớn nhất của Ấn Độ, đã áp lệnh phong tỏa từ đầu tháng 5/2021 do đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh. 

Tại Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới, làn sóng tái bùng phát dịch COVID-19 cũng đang diễn biến phức tạp khi tổng số ca mắc tính đến nay đã nhiều gấp 4 lần so với đầu tháng 4/2021, trong khi số ca tử vong gấp 4 lần và Bangkok trở thành tâm chấn của đại dịch.

Như Huỳnh