|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê sẽ vẫn chịu sức ép nguồn cung lớn

11:40 | 06/07/2020
Chia sẻ
Cục Xuất nhập khẩu dự báo sức ép lên giá cà phê toàn cầu vẫn sẽ còn kéo dài cho tới khi Brazil bước vào giai đoạn cuối của vụ thu hoạch năm nay.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 6, giá cà phê robusta trên thị trường thế giới tăng so với cuối tháng 5, tuy nhiên xu hướng tăng sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. 

Cục Xuất nhập khẩu dự báo sức ép lên giá cà phê toàn cầu vẫn sẽ còn kéo dài cho tới khi Brazil bước vào giai đoạn cuối của vụ thu hoạch năm nay. 

Hiện giá cà phê trong nước giảm xuống mức thấp, người dân không muốn bán ra dẫn đến thương nhân và nhà xuất khẩu gặp khó khăn trong việc thu mua cà phê để xuất khẩu. 

Tháng 6, giá cà phê trong nước tiếp tục giảm theo thị trường thế giới, tuy nhiên tốc độ giảm đã chậm lại. 

Ngày 30/6, giá cà phê thị trường nội địa giảm thấp nhất là 0,3% tại các huyện Eo H'leo và Buôn Hồ tỉnh Đắk Lắk, xuống mức 31.000 đồng/kg – mức giảm cao nhất là 1,6% tại huyện Đắk Hà tỉnh Kon Tum, xuống mức 30.700 đồng/kg. 

Tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê giảm 1%, xuống còn 30.300 – 30.400 đồng/kg. Tại cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta loại R1 giảm 0,3% so với ngày 30/5/2020, xuống mức 32.500 đồng/kg.

Trên sàn giao dịch London, ngày 30/6, giá cà phê robusta giao kì hạn tháng 7/2020 và tháng 9/2020 tăng lần lượt 0,8% và 0,6% so với ngày 30/5, lên mức 1.178 USD/tấn và 1.192 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 30/6 giá cà phê arabica giao kì hạn tháng 7/2020 và tháng 9/2020 tăng lần lượt 3,9% và 4,4% so với ngày 30/5, lên mức 100 UScent/pound và 102,5 UScent/pound. 

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết trong tháng 6, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đưa ra các báo cáo giữa năm về tình hình cung-cầu cà phê thế giới, cho rằng các nước sản xuất lớn được mùa. 

Theo đó, sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020-2021 dự kiến đạt mức cao kỷ lục khoảng 105 triệu tấn, vượt nhu cầu gần 4 triệu tấn cà phê. 

Như vậy, tồn kho cà phê thế giới sẽ tăng lên mức cao nhất trong 6 năm gần đây, đạt 25 triệu tấn. Tồn kho lớn cùng với nhu cầu tiêu thụ chưa thể tăng cao sẽ đặt áp lực lớn lên giá cà phê. 

Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 3% trong năm 2020. 

Trong khi đó, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) nhận định, nếu GDP toàn cầu giảm 1% sẽ khiến tiêu thụ cà phê giảm 0,95%. 

Nhu cầu tiêu thụ yếu còn do căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc; giữa Mỹ - EU khiến sức mua trên thị trường hàng hóa nông sản thấp. Mối lo làn sóng dịch Covid-19 lần 2 ngày càng gia tăng đã tác động tiêu cực lên thị trường cà phê. 

Đồng Real Brazil giảm mạnh có lợi cho người trồng cà phê Brazil. Trong khi đó, Brazil đang trong vụ thu hoạch cà phê robusta với dự báo được mùa và Indonesia bắt đầu tham gia thị trường. 

Theo Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA), xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 5 đạt 437.597 bao, tăng 26,6% so với tháng 5/2019. Trong đó, xuất khẩu cà phê robusta tăng 35,8%, đạt 340.830 bao; cà phê arabica tăng 2%, đạt 96.767 bao. 

Tính chung 8 tháng niên vụ 2019/2020, xuất khẩu cà phê của Uganda tăng 21% so với cùng niên vụ 2018/19, đạt 3,37 triệu bao.

H.Mĩ