|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê robusta đứt mạch tăng

15:29 | 22/03/2017
Chia sẻ
Thị trường bắt đầu điều chỉnh lại giá cà phê robusta sau chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp, khiến giá cà phê Tây Nguyên cũng mất tới 500 đồng trong sáng nay (22/3).
Giá cà phê robusta đứt mạch tăng. Ảnh: Reuters.

Cụ thể, giá cà phê robusta kỳ hạn giao dịch trên sàn ICE London chốt phiên 21/3 mất gần hết những gì đã đạt được trong 5 phiên trước đó. Trong đó, giá robusta giao tháng 5 giảm mạnh nhất sàn với 25 USD/tấn.

Tương tự, giá cà phê arabica cũng bị điều chỉnh giảm khoảng 0,3% trong phiên hôm qua sau đợt tăng mạnh gần 3% trong 3 phiên trước đó.

Nguồn: giacaphe.com

Cùng xu hướng giảm của thị trường thế giới, giá thu mua cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên cũng mất 500 đồng trong sáng nay. Sau 5 ngày tăng liên tiếp lên cao nhất hơn 6 năm, giá cà phê Tây Nguyên đến sáng nay đã lùi về ngưỡng 46.000 đồng/kg.

Nguồn: giacaphe.com

Tuy nhiên xét về dài hạn, thị trường cà phê thế giới và Việt Nam vẫn còn động lực tăng giá bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng tại Việt Nam, Brazil và Indonesia.

Tại Việt Nam, sản lượng cà phê được dự báo sẽ giảm tới 20% trong năm nay do hạn hán và cây cà phê quá cỗi. Hiện tại, số lượng cà phê có thể dùng được từ niên vụ trước cũng không còn nhiều. Ông Do Ha Nam, Tổng giám đốc công ty xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam Intimex cho rằng, Việt Nam có thể sẽ thiếu cà phê trong tháng 5 hoặc tháng 6 do nhu cầu từ nước ngoài tăng trong khi tồn kho nội địa giảm mạnh.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung như hiện này sẽ nhanh chóng đẩy giá cà phê tăng mạnh trong thời gian tới và có thể giúp doanh nghiệp bù lỗ sau lệnh cấm nhập khẩu cà phê Việt Nam của Ấn Độ mới đây.

Trong khi đó tại Brazil, thời tiết khô hạn tại các vùng trồng cà phê robusta cũng tác động rất lớn đến năng suất sản xuất không chỉ trong mùa vụ năm nay. Theo Financial Times, rất nhiều hộ nông dân đã chuyển hướng sang trồng hồ tiêu sau nhiều năm thất thu robusta. Nếu xu hướng này càng phổ biến hơn, thị trường robusta chắc chắn sẽ thâm hụt trầm trọng.

Tại Indonesia, thị trường cũng đang khan hiếm nguồn cung, khiến thị trường giao dịch rất trầm lắng. Thị trường cà phê Indonesia dự báo sẽ tiếp tục giao dịch thưa thớt cho tới khi người dân bắt đầu thu hoạch vụ cà phê phụ từ cuối tháng 3.

Thanh Tùng